Phương pháp giáo dục STEM & ART (STEAM)
STEM là viết tắt của các từ Science (khoa học), Technology (công nghệ), Engineering (kỹ thuật), Math (toán học)
STEM & ART (STEAM) là phương pháp giáo dục sớm Stem tích hợp nghệ thuật, được coi là một chiến lược giáo dục cải tiến theo phương pháp mới, pha trộn chương trình nghệ thuật – nhảy múa, âm nhạc, nghệ thuật hình ảnh với chương trình giáo dục tiêu chuẩn.
- Phương pháp giáo dục STEAM không phải là để học sinh trở thành những nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư hay những kỹ thuật viên mà là “xây dựng cho HS có kỹ năng, có thể được sử dụng để vận dụng và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại ngày nay”
Phương pháp giáo dục STEM cung cấp cho trẻ những kỹ năng gì?
Kỹ năng STEM là sự tích hợp hài hòa bốn nhóm kỹ năng riêng lẻ: khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
* Kỹ năng khoa học:
- Là các kỹ năng đó HS được trang bị kiến thức về các khái niệm, các nguyên lý, các định luật và các cơ sở lý thuyết của GD khoa học.
- Trong GD STEM, Khoa học chính là cách tư duy. Khoa học là sự quan sát và trải nghiệm, là đặt giả thuyết và phán đoán, là chia sẻ những phát hiện và đặt câu hỏi, là tò mò về mọi thứ hoạt động như thế nào?
- Thông qua GD khoa học, HS có khả năng liên kết các kiến thức này và đồng thời được thực hành và có tư duy để sử dụng kiến thức vào thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thực tế.
* Kỹ năng công nghệ:
- Công nghệ là những gì đơn giản nhất như những vật dụng hàng ngày như cái bút chì đến những hệ thống sử dụng phức tạp hơn như mạng Internet, mạng lưới điện quốc gia, vệ tinh.
- Tất cả những gì thay đổi của thế giới tự nhiên mà phục vụ nhu cầu của con người thì đều được coi là công nghệ.
- Trong giáo dục STEM, công nghệ chú ý đến việc sử dụng các dụng cụ, phát triển các kỹ năng vận động tinh, óc sáng chế, cách làm cho mọi thứ hoạt động. Là khả năng sử dụng, quản lý, hiểu biết và truy cập đươc công nghệ.
* Kỹ năng kỹ thuật:
- Là khả năng giải quyết vấn đề thực tiễn diễn ra trong cuộc sống bằng cách thiết kế các đối tượng, hệ thống và xây dựng các quy trình sản xuất để tạo ra đối tượng.
- Hiểu một cách đơn giản là học sinh được trang bị kỹ năng, kỹ thuật là có khả năng sản xuất ra đối tượng và hiểu được quy trình để làm ra nó.
- Trong giáo dục STEM, kỹ thuật chính là cách làm. Kỹ thuật là giải quyết vấn đề, là sử dụng phong phú các loại nguyên vật liệu, là thiết kế và sáng tạo, là xây dựng các sản phẩm có nghĩa.
* Kỹ năng toán học:
- Là khả năng nhìn nhận và nắm bắt được vai trò của toán học trong mọi khía cạch tồn tại trong thê giới xung quanh.
- Trong GD STEM, toán chính là cách đo lường. Toán lá số lượng, là các quy tắc kiểu mẫu, là hình khối, là khối lượng, là kích thước. Tất cả các sự vật, đồ dùng trong cuộc sống đều được ứng dụng.
- HS có kỹ năng toán học sẽ có khả năng thể hiện các ý tưởng một cách chính xác, có khả năng ứng dụng các khái niệm và kỹ năng toán học vào cuộc sống hàng ngày.
* STEM kết hợp với ART
Phương pháp STEM kết hợp với Art mang đến một chiến lược giáo dục cải tiến hiệu quả cao cho lĩnh vực giáo dục mầm non.
Thông qua hình thức tích hợp với nghệ thuật, trẻ sẽ dễ dàng khám phá ra các giai đoạn khác nhau của vấn đề thông qua một số loại hình nghệ thuật.
* DẠY HỌC THEO DỰ ÁN
Phương pháp dạy học dự án là phương pháp cho trẻ nghiên cứu sâu một đề tài cụ thể. Trong quá trình khám phá, trẻ được tự lên kế hoạch, tự thực hiện và điều hành các hoạt động trải nghiệm của chính mình, giáo viên chỉ có vai trò định hướng, hỗ trợ trẻ trong các hoạt động. Dạy học dự án có mối liên hệ chặt với chương trình khung của Bộ GD&ĐT ở các mảng kiến thức và kỹ năng cần đạt trên trẻ ở từng độ tuổi.
Dạy học dự án là một hình thức dạy học trong đó trẻ đóng vai trò trung tâm, dưới sự giúp đỡ của cô giáo, trẻ tự giải quyết một nhiệm vụ học tập mang tính phức hợp nào đó cả về lý thuyết lẫn thực hành. Qua đó trẻ tạo ra được các sản phẩm của mình và có thể giới thiệu chúng với mọi người.
Với phương pháp dạy học dự án, giáo viên không còn giữ vai trò chủ đạo mà là người hướng dẫn, giúp đỡ, tạo môi trường, tạo vai trò cho trẻ trong dự án. Theo đó, tính tự lực, tích cực tham gia vào các hoạt động của trẻ được nâng cao; đòi hỏi, khuyến khích và phát triển sự sáng tạo, tính trách nhiệm, kĩ năng làm việc nhóm và đặc biệt phát triển ở trẻ kỹ năng tư duy, giải quyết các vấn đề phức hợp.
*Dạy học dự án cho trẻ Mầm non
Phương pháp dạy học dự án với trẻ Mầm non được triển khai theo 3 bước cơ bản: Mở dự án, triển khai dự án và đóng dự án.
Bước mở dự án là bước đóng vai trò quan trọng trong suốt quá trình thực hiện dự án. Giáo viên thực hiện mở dự án thành công sẽ tạo cho trẻ hứng thú, động lực để khám phá dự án một cách tích cực. Hoạt động mở dự án giúp cho giáo viên khảo sát được kiến thức của trẻ về đề tài đã lựa chọn để chủ động định hướng hoạt động của trẻ.Dạy học dự án kích thích tư duy của trẻ phát triển. Còn về phía học sinh, trẻ được tái hiện lại những kiến thức mình đã biết về đề tài và liệt kê ra những điều mình muốn biết thêm về đề tài, giáo viên có thể gợi ý để trẻ tìm ra vấn đề. Từ đó trẻ tự lập được kế hoạch cho mình trong quá trình khám phá dự án: Tìm câu trả lời cho những thắc mắc bằng cách nào? ở đâu? khi nào?
Giai đoạn triển khai dự án. Đây là quá trình trẻ thực hành tìm hiểu các kiến thức trả lời cho các thắc mắc của mình bằng các hoạt động với các kỹ năng: tìm kiếm, thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin, tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tế. Trong giai đoạn này giáo viên sẽ giúp trẻ lên kế hoạch tìm kiếm thông tin qua các phương tiện như máy ảnh, máy tính, chuyến đi, vẽ…. sau đó trẻ sẽ báo cáo lại kết quả tìm được thông tin đó.
Đóng dự án là bước triển khai cuối cùng trong một dự án học. Ở bước đóng dự án này, trẻ được thể hiện lại những kiến thức, kỹ năng trẻ lĩnh hội đươc qua quá trình khám phá dự án. Để làm được điều đó đòi hỏi trẻ phải có kỹ năng ghi nhớ, tổng hợp, thuyết trình… Giai đoạn tổng kết, đóng dự án trẻ có thể so sánh minh chứng, bằng chứng với những cái trẻ đã biết và muốn biết, sau đó cùng nhau thảo luận về cách trình bày, thể hiện với mọi người. Cuối cùng các bé có thể mời bố mẹ, khách, bạn bè tới tham dự buổi tổng kết để chứng kiến và xem mình thể hiện sự hiểu biết thông qua những vấn đề trong dự án vừa học.
* Tại sao chọn phương pháp dạy học dự án vào Trường MN Thăng Long
- Dạy học dự án là xu thế giáo dục thời hiện đại được thực hiện ở nhiều quốc gia phát triển và đang phát triển
- Dạy học dự án cung cấp các kỹ năng cần thiết phù hợp với lứa tuổi một cách hệ thống, đáp ứng nhu cầu học tập giúp trẻ tìm hiểu và khám phá một cách chủ động, sáng tạo, tăng cường kỹ năng làm việc nhóm, hình thành phát triển khả năng ở trẻ tư duy độc lập và kỹ năng học suốt đời
- Dạy học dự án mang lại hiệu quả giáo dục cao nhờ vận dụng được một số ưu việt của các mô hình giáo dục sớm (Montessori, Stem, Reggio Emilia, Kỷ luật không nước mắt …) trong quá trình tổ chức
- Được kết hợp chặt chẽ với chương trình khung.
* Phương pháp STEAM phù hợp với trẻ tại Trường MN Thăng Long
- Tích hợp và gắn với cuộc sống là bản chất của dạy học ở nhà trường
- Mỗi giờ học của trẻ là sự tích hợp của kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực
- Nội dung giáo dục cho trẻ là hệ thống kiến thức về cuộc sống gần gũi xung quanh trẻ. Xảy ra và gắn liền với cuộc sống hàng ngày của trẻ
- Trải nghiệm là cách học hiệu quả nhất với trẻ mầm non
- Trẻ tư duy trực quan, những kiến thức kỹ năng có được khi trẻ trực tiếp khám phá sẽ giúp trẻ hiểu và nhớ
- Trẻ trực tiếp tham gia vào hoạt động khám phá giúp trẻ phát huy khả năng quan sát, phát hiện và giải quyết vấn đề.
* Phương pháp STEAM đem lại cho trẻ điều gì tại Trường MN Thăng Long
- Cho trẻ cơ hội học tập và trải nghiệm
- Khuyến khích trẻ khám phá, tìm tòi
- Phát huy năng lực tư duy sáng tạo, tư duy logic và khả năng giải quyết vấn đề
- Trẻ có nhiều cơ hội vận dụng kiến thức, kỹ năng vào trong thực tế cuộc sống, tạo ra những sản phẩm có nghĩa.
- Với trẻ nhỏ, nghệ thuật (Art) không chỉ là cái đẹp, nó còn là cách trẻ “viết” về cuộc sống, về những điều trẻ cảm nhận được
- Phương pháp giáo dục STEAM khơi dạy niềm yêu thích của trẻ với các bộ môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán học làm tiền đề thuận lợi cho các bậc học sau.