Điểm tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân tại nhà thi đấu Trịnh Hoài Đức (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH
Bộ Y tế, Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã có công văn cho Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng và các quân khu về việc hỗ trợ vận chuyển vắc-xin về các tỉnh. Theo đó, vắc-xin ngay khi có chứng nhận đủ điều kiện sử dụng của Viện Kiểm định vắc-xin và Sinh phẩm quốc gia sẽ được xuất khỏi kho quốc gia về các tỉnh bằng xe tải lạnh chuyên dụng đã được bàn giao cho các quân khu.
Để chuẩn bị cho điều này, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiến hành đào tạo và hỗ trợ các quân khu đạt chuẩn về bảo quản tốt kho vắc-xin cũng như kiểm chuẩn hệ thống xe tải lạnh. Với sự tham gia của lực lượng quân đội, việc vận chuyển vắc-xin sẽ rút ngắn đáng kể.
Trước đây cần tới hai tuần mới có thể phân bổ hết số lượng vắc-xin đó, thì giờ có thể chỉ cần hai ngày để hoàn thành. Việc này cũng phù hợp ngay cả trong trường hợp vắc-xin về dồn dập thì khả năng đáp ứng của Quân đội vẫn bảo đảm cho việc cung ứng tới từng tỉnh. Trong những tình huống cần khẩn trương hơn, xe tải lạnh có thể hỗ trợ cho tỉnh để đưa vắc-xin đến tận các quận/huyện để giảm thời gian trễ do chờ vận chuyển vắc-xin.
Ngày 3/8, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức cuộc họp hội đồng chuyên môn để điều chỉnh hướng dẫn khám sàng lọc lần thứ ba. Điều kiện được tiêm chủng đã được nới ra nhiều tiệm cận với những hướng dẫn được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo. Việc từng bước nới các quy định về điều kiện tiêm là do vắc-xin phòng Covid-19 được phê duyệt theo cơ chế khẩn cấp, cần kiểm chứng thêm một cách thận trọng trước khi tiêm đại trà như những vắc-xin đã có lịch sử phát triển lâu dài.
Cụ thể như việc mở rộng các nhóm đối tượng có thể tiêm chủng tại tuyến xã, phường và các điểm tiêm ngoài bệnh viện như nhóm có bệnh lý nền không trong đợt cấp; giảm bớt các nhóm đối tượng nên trì hoãn tiêm chủng hay các đối tượng nên thận trọng tiêm chủng như nhóm có tiền sử dị ứng. Sự điều chỉnh này là rất cần thiết giữa thời điểm dịch bệnh căng thẳng như hiện nay. Đồng thời, điều này phản ánh năng lực xử trí sau tiêm chủng của đội ngũ nhân viên y tế đã được tăng cường trong suốt thời gian vừa qua đã có thể đáp ứng với những nguy cơ biến cố bất lợi sau tiêm chủng.
Thời điểm mới tổ chức tiêm chủng, ngành y tế khá dè dặt trong việc tiêm chủng cho người cao tuổi bởi đây là nhóm đối tượng có nhiều bệnh nền, kể cả bệnh cấp tính và nhiều yếu tố nguy cơ… Tuy nhiên với việc cập nhật khuyến cáo về tiêm chủng như hiện nay thì rất nhiều người cao tuổi đã được tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 để thiết lập hàng rào bảo vệ cho bản thân. Điều này đặc biệt quan trọng tại những địa phương có dịch khi mà người có bệnh lý nền và người cao tuổi là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nhất nếu mắc Covid-19.
Hiên nay, Bộ Y tế khuyến khích các địa phương vận dụng sáng tạo mọi nguồn lực để có phương án tiêm chủng an toàn và hiệu quả. Hình thức sử dụng nhà thi đấu đa năng có bổ sung thông khí và vách ngăn theo mô hình bệnh viện dã chiến đang là một sáng kiến tốt, đã được thực hiện thành công tại Hà Nội. Theo cách này, người đến tiêm được di chuyển theo hình thức một chiều, hạn chế đến mức thấp nhất việc tập trung trong khi vẫn bảo đảm tốc độ triển khai tiêm chủng.
Đồng thời, chỉ phải chuẩn bị một đơn vị cấp cứu phục vụ cho nhiều dây tiêm thay vì tốn nhiều nhóm cấp cứu để hỗ trợ cho các đơn vị xã, phường nhất là trong điều kiện các trạm y tế phường tại Hà Nội hay các thành phố lớn có diện tích rất hạn chế. Tuy nhiên, tại khu vực ngoại ô, các trạm y tế xã thường rộng hơn và dễ dàng hơn trong triển khai tiêm chiến dịch.
Khi đó, hình thức tiêm tại trạm y tế lại hiệu quả hơn và có thể tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng. Theo cách này, mỗi ngày có thể triển khai hàng triệu mũi tiêm với điều kiện các đơn vị cấp cứu được triển khai theo cụm xã để sẵn sàng hỗ trợ khi cần.
Để đẩy mạnh tiến độ tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân thời gian tới, Bộ Y tế đã và sẽ huy động sự vào cuộc của các cơ sở y tế tư nhân, các bệnh viện quân y, thậm chí tổ chức cả các điểm tiêm lưu động. Bộ đã triển khai bộ tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng nhằm giúp chuẩn hóa các đơn vị tiêm chủng được chu đáo hơn, tin cậy hơn.
Đồng thời, việc chuẩn hóa này cũng là tiền đề giúp các cơ sở y tế nâng cao năng lực ứng phó trong trường hợp nếu có phải đối mặt với nguy cơ xảy ra dịch thì cũng sẽ đầy đủ trang bị hơn cho hỗ trợ điều trị người nhiễm Covid-19. Thời gian qua, việc tập huấn và cấp phép về chứng chỉ an toàn tiêm chủng cũng như sự tăng cường giám sát hỗ trợ của các Văn phòng tiêm chủng quốc gia và khu vực đã được đẩy mạnh. Chỉ trong vòng ba tháng, hàng nghìn lượt cán bộ y tế được chuẩn hóa kiến thức về tiêm chủng và sẵn sàng tham gia vào các dây chuyền tiêm chủng.
Ngoài chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về vắc-xin và tiêm chủng cũng đang được tập trung. Qua đó, cung cấp những thông tin hết sức hữu ích đến với người dân, từ việc chuẩn bị trước khi đi tiêm chủng, hướng dẫn khai thông tin cá nhân trên phần mềm, hướng dẫn chuẩn bị giấy tờ cá nhân, chuẩn bị về sức khỏe trước khi đi tiêm cho đến việc theo dõi phản ứng sau tiêm chủng...
Những thông tin đầy đủ đó giúp người dân yên tâm hơn khi đi tiêm chủng cũng như giúp các điểm tiêm giảm bớt nội dung liên quan đến giải thích, tư vấn đối với người đi tiêm. Mặt khác, việc chủ động theo dõi sức khỏe sau tiêm của người đi tiêm cũng góp phần hạn chế những rủi ro có thể có liên quan đến tiêm chủng.
Bộ Y tế vừa điều chỉnh Quyết định 3600/BYT-QĐ về việc phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 để phân bổ thêm cho TP Hồ Chí Minh (tăng 319 nghìn liều) và Hà Nội (tăng 284 nghìn liều). Như vậy, trong ba đợt phân bổ vắc-xin gần nhất (đợt 16, 17, 18), TP Hồ Chí Minh được cấp 1.148.500 liều và Hà Nội được cấp 868.880 liều. Ngoài ra, các viện, bệnh viện, đơn vị trung ương tại hai thành phố này được cấp lần lượt 40 nghìn và 74.500 liều trong các đợt này để tiêm cho người dân trên địa bàn. Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh là địa phương được phân bổ nhiều nhất với 4.075.270 liều (tỷ lệ phân bổ vắc-xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 29%); Hà Nội đã được phân bổ 2.943.770 liều (tỷ lệ phân bổ vắc-xin trên dân số từ 18 tuổi trở lên đạt 26%).