Khả năng miễn dịch đối với COVID-19 kéo dài bao lâu là thắc mắc của nhiều nhà khoa học kể từ những tháng đầu của đại dịch COVID-19.
Nhưng hai nghiên cứu mới đang giúp chúng ta phần nào trả lời được câu hỏi này.
Các nghiên cứu được công bố vào tháng 5 cho thấy khả năng miễn dịch có được do từng nhiễm COVID-19 có thể kéo dài nhiều tháng hoặc lâu hơn. Nhưng các chuyên gia tin rằng tiêm chủng có thể kéo dài thời gian miễn dịch này.
Một phát hiện quan trọng khác từ cả hai nghiên cứu là nhiều người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19 và sau đó được tiêm vắc xin COVID-19 mRNA (ví dụ như vắc xin Moderna hoặc Pfizer-BioNTech) có thể không cần tiêm nhắc lại.
Khả năng miễn dịch ở những người từng nhiễm virus có hiệu quả chống lại các biến thể của virus
Cả hai nghiên cứu đã kiểm tra những người đã nhiễm SARS-CoV-2 khoảng một năm trước đó.
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, các tế bào miễn dịch nằm trong tủy xương lưu giữ một "bộ nhớ" về virus corona và có thể tạo ra các kháng thể để ngăn ngừa tái nhiễm virus.
[Đọc thêm: Thành phố Trung Quốc tổ chức đợt xét nghiệm lớn nhất thế giới sau khi COVID-19 lây lan 'đáng báo động']
Nghiên cứu khác cho thấy những tế bào miễn dịch này có thể phát triển và mạnh lên trong khoảng một năm sau khi nhiễm virus.
Các tác giả nghiên cứu viết: "Dữ liệu cho thấy khả năng miễn dịch ở những người đã khỏi bệnh sẽ kéo dài rất lâu và những người đã khỏi bệnh được tiêm vắc xin mRNA sẽ tạo ra các kháng thể và tế bào B để bảo vệ chống lại các biến thể SARS-CoV-2 đang lưu hành".
Vắc xin COVID-19 của Pfizer.
Người từng mắc COVID-19 vẫn nên tiêm phòng
Tiến sĩ Len Horovitz, chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Lenox Hill ở New York, Mỹ, cho biết: "Điều quan trọng là những người từng mắc bệnh phải được tiêm chủng. Theo như chúng tôi biết, khả năng miễn dịch của họ có thể không tồn tại lâu hơn 11 tháng".
Theo tiến sĩ Horovitz, điều này có nghĩa là những người đã mắc COVID-19 không thể chỉ dựa việc họ từng nhiễm virus để đạt được miễn dịch như những người mắc bệnh sởi, quai bị và rubella.
Theo Horovitz, nếu bạn bị tái nhiễm, chưa chắc bạn đã bị bệnh nhẹ hơn.
"Nó có thể nhẹ hơn, có thể nặng như lần trước, và có thể tồi tệ hơn", ông giải thích. "Vì vậy, có rất nhiều điều chúng tôi không biết."
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, tái nhiễm có nghĩa là ai đó mắc bệnh một lần, khỏi bệnh và sau đó bị bệnh lại. CDC nhấn mạnh rằng mặc dù điều này không phổ biến nhưng có thể xảy ra với COVID-19.
"Chúng tôi không biết chính xác tỷ lệ tái nhiễm", Horovitz nói. "Chúng tôi biết nó có thể xảy ra, chúng tôi biết rằng nó không phổ biến, nhưng nó không hiếm".
Horvitz chỉ ra rằng nếu tái nhiễm xảy ra, " bạn có thể lây lan cho người khác".
"Vì vậy, điều quan trọng là nếu bạn từng mắc COVID-19, bạn không nên cho rằng mình sẽ không mắc bệnh nữa", Horvitz nói. "Và bạn cần được tiêm chủng bởi vì các kháng thể mà bạn nhận được khi bị nhiễm virus khác với các kháng thể mà bạn nhận được từ vắc xin. Chúng là hai kháng thể được đo lường khác nhau".
Tiêm vắc xin COVID-19 tại Mỹ.
Có cần tiêm nhắc lại?
Những nghiên cứu mới này cũng cho thấy rằng phần lớn những người đã khỏi COVID-19 và sau đó được tiêm chủng bằng một trong các loại vắc xin mRNA sẽ không cần tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ chống lại virus.
Tuy nhiên, những người đã được tiêm phòng mà không bị nhiễm virus trước đó có thể sẽ cần được tiêm nhắc lại, giống như một số ít những người đã mắc bệnh nhưng không tạo ra phản ứng miễn dịch đủ mạnh.
Theo Horovitz, các mũi tiêm nhắc lại có thể hữu ích.
"Trên thực tế, có một bài báo đăng tuần này trên The New York Times xem xét phản ứng của những người đã mắc COVID-19 và được tiêm chủng, và họ có phản ứng miễn dịch rất tuyệt - nhiều hơn những người chưa mắc COVID-19", ông nói.
"Vì vậy, nếu một người đã mắc COVID-19 và sau đó được tiêm vắc xin, thì họ không bao giờ phải tiêm nhắc lại", ông tiếp tục giải thích. "Có vẻ như họ có khả năng miễn dịch cao hơn những người đã được tiêm chủng và chưa từng bị nhiễm virus trước đó".
Kết luận
Hai nghiên cứu được công bố gần đây đã phát hiện ra rằng những người phục hồi sau khi mắc COVID-19 đã phát triển các kháng thể có thể tồn tại gần một năm.
Các chuyên gia nói rằng việc tái nhiễm, mặc dù không phổ biến, vẫn có thể xảy ra - và việc được tiêm một trong các loại vắc xin mRNA (như vắc xin Moderna của Pfizer-BioNTech) có thể tăng cường khả năng miễn dịch một cách đáng kể ở những người từng nhiễm virus.
Các chuyên gia cũng nói rằng những người đã mắc COVID-19 có thể không cần tiêm nhắc lại để duy trì sự bảo vệ, vì vắc xin mRNA tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ ở nhóm người này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng những người chưa từng bị nhiễm virus trước đó có thể sẽ cần tiêm nhắc lại để duy trì khả năng bảo vệ trước virus.