Hiện nay, những bệnh nhân dương tính với nCoV có triệu chứng nhẹ tại nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh..., đều tự điều trị tại nhà. Họ được khuyến cáo nghỉ ngơi, uống nhiều nước và dùng các thuốc giảm đau, hạ sốt, ho. Sau đó, bệnh sẽ khỏi dần.
Những người có triệu chứng nặng hơn, lớn tuổi, kèm bệnh nền, mạn tính, nguy cơ rơi vào tình trạng nghiêm trọng với Covid-19 sẽ được theo dõi kỹ hoặc vào bệnh viện để điều trị. Tuy nhiên, nhiều người vì quá lo lắng đã tự ý dùng các loại thuốc không thích hợp khi gặp biểu hiện giống Covid-19.
Các thuốc giảm đau, hạ sốt
Paracetamol là hoạt chất hàng đầu được khuyến cáo sử dụng để hạ sốt, giảm đau trong trường hợp bệnh nhân không có bệnh gan, thận mạn tính. Ngoài ra, Ibuprofen hoặc các thuốc khác thuộc nhóm NSAID (như Naproxen, Diclofenac...) cũng được khuyến cáo trong trường hợp không dùng được Paracetamol.
Tuy nhiên, Ibuprofen hay các NSAID khác được khuyến cáo không dùng cho bệnh nhân bị hen suyễn, phụ nữ có thai (giai đoạn cuối), bệnh tim mạn tính, chức năng gan, thận yếu, người bị loét hoặc xuất huyết dạ dày.
Thuốc Aspirin (một loại NSAID) có công dụng kháng viêm, giảm đau, hạ sốt ở liều cao. Khi dùng ở liều thấp kéo dài, Aspirin có tác dụng chống tập kết tiểu cầu và giúp ngăn ngừa các bệnh lý liên quan tim mạch như dự phòng thứ phát nhồi máu cơ tim hay đột quỵ do thiếu máu não.
|
Thuốc Aspirin. Ảnh: Sayidy.
|
Vì vậy, nhiều người bắt đầu sử dụng Aspirin liều thấp (85-325 mg) trong thời gian dài. Họ hy vọng sẽ tốt cho tim và tránh được nguy cơ tử vong do Covid-19. Đây không phải là ý tưởng tốt vì thuốc này chỉ nên dùng cho người có bệnh về tim mạch hoặc đã từng bị đột quỵ và theo sự hướng dẫn của dược sĩ.
Việc sử dụng Aspirin hàng ngày mà không tham khảo ý kiến chuyên môn trước có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm xuất huyết não và đường tiêu hóa.
Aspirin không được khuyến cáo dùng cho trẻ dưới 16 tuổi vì nguy cơ gây ra hội chứng Reye (có thể gây sưng phù ở não, gan), các tác dụng phụ nghiêm trọng (tăng huyết áp, loét dạ dày, khó cầm máu, suy thận cấp, nhiễm toan chuyển hóa, phù não, xuất huyết não, co giật, ảnh hưởng xấu đến hệ hô hấp (khó thở, suy giảm hô hấp), co thắt phế quản).
Aspirin cũng chống chỉ định với phụ nữ ở tam cá nguyệt thứ 3 của thai kỳ vì có nguy cơ gây độc thận thai nhi.
Thuốc kháng sinh
Thuốc kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn và không có hiệu quả trong điều trị bệnh do virus gây ra như Covid-19. Azithromycin là một trong các loại kháng sinh được dùng nhiều nhất với suy đoán giúp bệnh nhân Covid-19 nhanh phục hồi và giảm khả năng nhập viện.
Các thử nghiệm lâm sàng đã chứng minh điều này không đúng. Dù dùng một mình hay kết hợp với Hydroxychloroquine (một thuốc trị sốt rét), chúng cũng không mang lại lợi ích gì nhiều.
Kháng sinh khi được kê cho bệnh nhân Covid-19 là nhằm bảo vệ khỏi nhiễm trùng do các vi khuẩn gây ra như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phổi, nhiễm trùng huyết trong quá trình điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm rõ lý do này và có thói quen "uống cho chắc". Vì vậy, kháng sinh bị lạm dụng trong thời điểm dịch bùng phát căng thẳng. Đây có thể coi là hiểm họa ẩn mình của Covid-19.
Các loại kháng sinh có nhiều tác dụng phụ khác nhau, với Azithromycin mối lo lớn nhất là gây loạn nhịp tim. Ngoài ra, lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn tới sự xuất hiện của vi khuẩn siêu đề kháng thuốc, đây là mối lo cho nhân loại còn lớn hơn cả nCoV.
Thuốc kháng viêm
Các thuốc kháng viêm nhóm Corticosteroid như Dexamethasone, Prednisone hay Hydrocortisone..., được chỉ định để ức chế rối loạn viêm và hệ thống miễn dịch. Các thuốc này thường được áp dụng trong phác đồ điều trị Covid-19 tại nhiều nơi trên thế giới nhờ độ hiệu quả đi kèm với giá thành rẻ và dễ tìm mua.
FDA khuyến cáo Corticosteroid nên sử dụng cho các bệnh nhân Covid-19 nhập viện, đang điều trị bằng Corticosteroid toàn thân. Tuy nhiên, người bệnh cần được theo dõi cẩn thận vì các tác dụng phụ mà thuốc này gây ra không hề nhẹ
|
Việc lạm dụng các thuốc này có thể gây ức chế chức năng của hệ miễn dịch. Ảnh minh họa: Nasehvezdy.
|
Người bệnh nên dùng đúng liều lượng do bác sĩ kê. Ngoài ra, bạn chỉ nên dùng các thuốc kháng viêm khi hiện tượng viêm xảy ra gây khó chịu vì đây là phản ứng có lợi của cơ thể nhằm tiêu diệt vi khuẩn.
Việc lạm dụng các thuốc này có thể gây ức chế chức năng của hệ miễn dịch, khiến hiệu quả của vaccine hay kháng sinh bị giảm, mất cân bằng nội tiết tố, tăng đường huyết. Dùng lâu dài (≥ 1 tháng) có thể gây hỏng màng nhầy đường tiêu hóa và chảy máu đường ruột, loãng xương, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, giữ nước gây sưng, tăng cân, lo lắng và rối loạn giấc ngủ.
Bình khí oxy, máy tạo oxy
Không chỉ dự trữ thuốc, các loại máy thở, máy tạo oxy, bình khí oxy cũng được nhiều người tìm mua mà không để ý tới khả năng dễ gây cháy nổ của chúng. Nhu cầu oxy của bệnh nhân Covid-19 khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Việc xác định nồng độ oxy mà cơ thể cần bổ sung phải do các chuyên viên y tế có chuyên môn tính toán và thực hiện. Dư thừa oxy có thể gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, dẫn đến co giật, chóng mặt, buồn nôn và nghiêm trọng hơn là tử vong.
Người dân không nên để nỗi lo sợ Covid-19 làm ảnh hưởng cuộc sống và các quyết định quá mức, đặc biệt là việc tích trữ thuốc. Thuốc và các sản phẩm y tế đều tiềm ẩn tác dụng phụ, độc tính. Việc sử dụng chúng nên được tư vấn từ nhân viên y tế có chuyên môn như bác sĩ và dược sĩ lâm sàng.