Vượt qua khó khăn trong đại dịch, đồng hành cùng cả nước phòng, chống Covid-19, giới xuất bản đã cung cấp nhiều ấn phẩm, góp phần nâng cao hiểu biết, niềm tin chống dịch.
Đại dịch Covid-19 làm đảo lộn mọi sinh hoạt thường nhật. Ngành xuất bản cũng không ngoại lệ, bị tác động từ đại dịch.
Hoạt động xuất bản, kinh doanh sách bị ảnh hưởng nặng nề.
Khó khăn nhưng không đứng ngoài cuộc, từ nhà xuất bản đến công ty sách đã đồng hành cùng cả nước, thực hiện công tác tuyên truyền, phòng chống Covid-19.
Đó là những ấn phẩm với thể loại, đề tài phong phú, gồm viết, dịch, nghiên cứu hay nhật ký, sách ảnh, truyện tranh...
Dịch bệnh ở nước ngoài
Covid-19 không phải là đại dịch duy nhất hay lần đầu tiên con người phải đối mặt. Trước đó, thế giới đã trải qua nhiều dịch bệnh. Các tác phẩm đã được ấn hành giúp độc giả hiểu thêm về đại dịch toàn cầu từ xưa tới nay.
Đó là các tác phẩm Vén màn bí ẩn Covid-19 và những virus chết người khác trong lịch sử (Igor Prokopenko, Nhã Nam và NXB Hồng Đức); Dịch bệnh: Kẻ thù nguy hiểm nhất (Michael T. Osterholm, Mark Olshaker, ETS và NXB Dân trí); Nguồn gốc dịch bệnh: Động vật, con người và đại dịch toàn cầu tiếp theo (David Quammen, NXB Dân trí)...
Thời gian qua, thị trường xuất bản xuất hiện một số đầu sách về dịch bệnh ở Pháp, Mỹ... như Mắc kẹt (122 + ngày mắc kẹt ở Mỹ vì Covid-19, Phương Thu Thủy, NXB Tổng hợp TP.HCM), Paris+14 (Cù Thu Hương, NXB Hội Nhà văn), Paris 55 ngày cấm túc, nhật ký viết từ tâm dịch (Giáng Hương, NXB Tổng hợp TP.HCM)...
Đây là những tác phẩm do người Việt sinh sống ở nước ngoài, trực tiếp đối diện dịch bệnh Covid-19, ghi lại. Những ấn phẩm này cung cấp thêm góc nhìn về đại dịch ở phương Tây.
|
Tiểu thuyết Những ngày cách ly của nhà văn Bùi Quang Thắng lấy bối cảnh đợt giãn cách xã hội đầu tiên ở Việt Nam đầu năm 2020. Ảnh: Đình Ba.
|
Kinh nghiệm chống dịch
Đến nay, chưa có thống kê chính thức về những ấn phẩm sách liên quan đại dịch Covid-19 trong nước.
Ở dạng sáng tác, tiểu thuyết Những ngày cách ly góp phần giúp độc giả có cái nhìn tổng quan về Covid-19 giai đoạn đầu. Tác phẩm tạo tâm lý lạc quan đối với việc phòng, chống dịch, cũng như tính trách nhiệm của công dân, sự nghiêm túc của chính quyền đối với đại dịch Covid-19.
Thể loại nhật ký, trải nghiệm liên quan dịch bệnh thể hiện sự vững tin, yên tâm vào nỗ lực chữa bệnh, chống dịch của ngành y tế.
Có thể điểm qua một số đầu sách như Con đã về nhà (Tăng Quang, NXB Phụ nữ); Đi qua hai mùa dịch (Dy Khoa, NXB Văn hóa Văn nghệ), Nhật ký Covid-19 và những chuyện chưa kể (Nhã Nam và NXB Thế giới)... Đây là những trải nghiệm rất cụ thể của người trong cuộc như người cách ly, bệnh nhân, bác sĩ liên quan dịch bệnh.
Không trực tiếp đi thẳng vào đề tài về đại dịch Covid-19, dòng sách y học được giới xuất bản tăng cường trong thời gian qua. Nhiều đầu sách tập trung nội dung luyện tập, ăn uống, sinh hoạt... giúp con người nâng cao sức khỏe, cũng là một biện pháp căn cốt trong việc phòng chống virus.
Bộ sách Cơ thể tự chữa lành (Anthony William, Huyhoangbooks và NXB Thanh niên), Thực đơn ăn uống kháng viêm, tăng cường hệ miễn dịch (Booklife và NXB Dân trí)... là một số tác phẩm liên quan.
|
Nhật ký Covid-19 và những chuyện chưa kể là tác phẩm mới lên kệ, thể hiện góc nhìn của bác sĩ tham gia chống dịch. Ảnh: Minh Thu.
|
Mang lại niềm tin, sự lạc quan
Nhiều đơn vị xuất bản đã xoáy vào dòng sách nghiên cứu, tìm hiểu về Covid-19 để nâng cao kỹ năng, phòng, tránh loại virus nguy hiểm này.
Có thể kể đến một số đầu sách như Dịch Covid-19: Hiểu rõ và phòng ngừa đúng cách (Saigonbooks, NXB Hồng Đức); Hỏi - đáp về chủng virus Corona mới 2019 (ebook, NXB Thông tin và Truyền thông)...
Dòng sách nghiên cứu, tìm hiểu về loại virus Corona chủng mới là mối quan tâm của nhiều đơn vị xuất bản và số lượng sách ở thể loại này tương đối nhiều.
Gieo niềm tin cũng như phác thảo bức tranh toàn cảnh về hoạt động phòng chống dịch bệnh của nước nhà, nhiều đầu sách liên quan được ấn hành, trong đó có: Việt Nam - Cuộc chiến sinh tử chống Covid-19 (Ngọc Niên chủ biên, NXB Lao động Xã hội); Tinh thần Việt và cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 (Nguyễn Á, NXB Thông tấn)...
|
Cuốn sách ảnh Sài Gòn Covid-19 của nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong do NXB Văn hóa Văn nghệ ấn hành. Ảnh: Pháp Luật TP.HCM.
|
Lại có tác phẩm nhìn đại dịch Covid-19 dưới một góc riêng như trường hợp của sách ảnh Sài Gòn Covid-19 (nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong, NXB Văn hóa Văn nghệ). Cuốn sách ghi lại hình ảnh TP.HCM im ắng, nghiêm túc thực hiện giãn cách xã hội đề phòng dịch.
Một ấn phẩm khác là ký họa Khẩu trang và người nổi tiếng (họa sĩ Lê Sa Long, NXB Tổng hợp TP.HCM) cũng gây được sự chú ý.
Phòng tránh Covid-19 cho bé và gia đình (Phucminhbooks và NXB Thanh niên); Những thói quen tốt bảo vệ sức khỏe trẻ em phòng chống Covid-19 (VinabookJSC và NXB Hà Nội), Chiếc khẩu trang biết đếm (La Hi, NXB Văn học)... là những đầu sách dành cho trẻ em, nhằm giúp các em hiểu và biết bảo vệ mình.
Để dễ tiếp cận, sách dành cho trẻ em ở chủ đề này thường được thiết kế kèm hình minh họa sinh động hoặc ở dạng truyện tranh mang tính trực quan cao.