Ngày nay, hầu hết công việc của chúng ta liên quan đến các phương tiện công nghệ: điện thoại, máy tính, các bảng điều khiển điện tử,…Do vậy, con mắt phải làm việc quá khả năng mà tạo hóa sinh ra nó. Đã thế, trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, giãn cách xã hội khiến từ trẻ em đến người lớn đều sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với internet để giải trí, làm việc và học tập.
Khi làm việc bằng mắt chúng ta lại không cảm nhận được con mắt đang phải làm việc nên không có chế độ nghỉ ngơi hợp lý. Nếu làm việc trong thời gian dài, mỗi lần làm việc lâu (trên 2 tiếng) mà không có thời gian nghỉ ngơi hợp lý sẽ dẫn đến những rối loạn về mắt được gọi là “hội chứng máy vi tính” (Computer Vision Syndrome).
Nguyên nhân là do khi làm việc với máy tính, smartphone,.. tần số chớp mắt sẽ giảm đi (mỗi lần chớp mắt lớp phim nước mắt bảo vệ bề mặt nhãn cầu sẽ được tái tạo) làm cho mắt bị khô, nhìn gần nhiều làm cho mắt phải tăng điều tiết, cùng với ánh sáng và bức xạ điện từ từ màn hình máy tính làm cho mắt bị nhức mỏi.
Những triệu chứng của hội chứng máy vi tính bao gồm: nhức mỏi mắt, mắt nhanh bị mệt khi làm việc, phải nheo mắt khi nhìn, nhìn xa nhòe, có thể nhìn một hình thành hai, mắt đỏ ngứa, khô rát, chớp mắt nhiều, đôi khi có chảy nước mắt, chói mắt khi nhìn ra ánh sáng nên khó mở mắt. Ngoài ra, tư thế ngồi không đúng cách khi làm việc với máy tính sẽ dẫn đến đau ở lưng, vai, cổ và cổ tay.
Vậy làm thế nào để máy vi tính, smartphone, và các thiết bị công nghiệp khác trở thành một công cụ làm việc hiệu quả và lành mạnh. Sau đây là một số bí quyết ai cũng cần phải biết.
Điều chỉnh ánh sáng
Khi làm việc tại phòng quá sáng, cần điều chỉnh ánh sáng trong phòng để giảm bớt ánh sáng phản chiếu lên màn hình máy tính (gây ra chói, lóa mắt). Nếu bàn làm việc gần cửa sổ, nên có rèm che cửa sổ hoặc dán cửa sổ với màu sẫm. Ngoài ra, kính lọc màn hình máy vi tính được dùng để giảm lóa mắt và tăng sự tương phản của hình ảnh, giúp chúng ta nhìn rõ hơn.
Ngược lại đối với phòng làm việc quá tối nên dùng đèn bàn (loại có chụp), đặt ở vị trí phù hợp sao cho ánh sáng đèn không gây ra lóa trên màn hình máy vi tính.
Ngoài ra, có thể giảm độ sáng màn hình máy vi tính để mắt nhìn thoải mái hơn. Và tương tự như sử dụng các thiết bị điện thoại, ti vi....
Điều vô cùng quan trọng là cần phải để mắt được nghỉ ngơi hợp lý. Quy tắc áp dụng là 20-20-20: nghĩa là khi làm việc trên máy vi tính được 20 phút, nên nhắm mắt nghỉ trong vòng 20 giây, hoặc bạn có thể nhìn ra ngoài cây xanh hoặc nhìn ra xa khoảng 6m (≈ 20 feet), để mắt được thư giãn. Ngoài ra cũng có thể giải lao bằng cách đi lại xung quanh nơi làm việc . Hoặc dán 1 mẩu giấy nhỏ trên màn hình máy vi tính nhắc nhở phải thường xuyên chớp mắt để tránh tình trạng bị khô mắt, gây mỏi mệt mắt. Khi được nghỉ giải lao hợp lý, mắt cũng như cơ thể bạn được thoải mái hơn, năng suất làm việc cũng tốt hơn.
Vị trí đặt máy vi tính
Nếu phải làm việc bằng máy vi tính thì việc đặt vị trí máy tính là vô cùng quan trọng. Khoảng cách từ mắt đến máy vi tính là 40-70cm được cho là phù hợp. Nếu khoảng cách này quá xa (từ 80-100cm) cũng có thể gây khó chịu mắt đối với những người có tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) mà không đeo kính.
Màn hình nên để thấp hơn tầm nhìn của mắt từ 10-20 độ, như vậy mắt sẽ nhìn xuống, khe mi không phải mở rộng sẽ giảm được khô mắt. Chiều cao ghế khi ngồi sẽ bằng chiều cao tới đầu gối khi bạn đứng thẳng. Nên chọn loại ghế ngồi có thể điều chỉnh được chiều cao ghế. Chiều cao của bàn và ghế được chỉnh phù hợp để khi đặt tay lên bàn phím sẽ tạo thành một góc vuông ở khuỷu tay trong khi ngồi làm việc.
Lời khuyên thầy thuốc
Để bảo vệ mắt và phát hiện sớm các vấn đề về mắt nên khám mắt định kỳ mỗi năm (hoặc mỗi 6 tháng) để được tư vấn cụ thể về tình trạng mắt cũng như cách bảo vệ cửa sổ tâm hồn của bạn luôn sáng đẹp. Ngoài ra, để giảm thiểu mức độ khô mắt cần sử dụng nước mắt nhân tạo điều này giúp cho mắt đỡ bị khô và kích thích. Tuy nhiên, dùng loại nào và liều lượng bao nhiêu còn phụ thuộc vào tình trạng con mắt của bạn. Do vậy, nên trước khi sử dụng cần sự tư vấn của bác sĩ nhãn khoa.