Chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa học sinh cả nước sẽ bắt đầu năm học mới, được dự báo có nhiều khó khăn và thách thức do dịch COVID-19 gây ra. Trước tình hình thực tế này, toàn ngành giáo dục đang xây dựng các kịch bản để chuyển đổi, thích ứng với dịch bệnh, hoàn thành mục tiêu đảm bảo chất lượng dạy học và an toàn sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Hiện nhiều tỉnh thành đã lên phương án khai giảng trực tuyến và dạy - học trực tuyến ngay từ đầu năm học.
Riêng với bậc mầm non, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các cơ sở giáo dục ở bậc học này thường chọn giải pháp cho trẻ tạm dừng đến trường, tạm đóng cửa trường học. Tuy nhiên, việc trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài, đã ảnh hưởng đến nền nếp, thói quen thực hiện chế độ sinh hoạt theo yêu cầu phát triển của độ tuổi.
Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT). Ảnh: Thế Đại
Để thích ứng với tình hình dịch bệnh, vừa đảm bảo hoàn thành tốt mục tiêu, nhiệm vụ năm học mới 2021-2022, ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT) nhấn mạnh một số lưu ý với các địa phương, cơ sở giáo dục mầm non cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo ông Minh, năm học 2021-2022, giáo dục mầm non sẽ tập trung đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần, tổ chức nuôi dưỡng chăm sóc giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Trong bối cảnh dịch bệnh, ông Minh lưu ý, cơ sở giáo dục mầm non không tổ chức dạy học trực tuyến cho trẻ, mà tập trung phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn trẻ tại nhà. Tranh thủ “thời gian vàng” khi có thể đến trường để ưu tiên hướng dẫn kỹ năng cho trẻ 5 tuổi sẵn sàng vào lớp 1.
Ngoài ra, các địa phương cũng khẩn trương rà soát, thống kê thiệt hại của các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Từ đó, tham mưu cho chính quyền các cấp có giải pháp hỗ trợ khắc phục khó khăn để duy trì hoạt động của các cơ sở, hỗ trợ giáo viên bị ảnh hưởng. Tránh tình trạng giáo viên nghỉ việc, cơ sở giải thể, bởi đây là nguy cơ rất lớn đối với giáo dục mầm non.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non, thời gian qua, trẻ em mầm non phải ở nhà trong thời gian dài. Ở một số tỉnh, tỉ lệ trẻ em béo phì tăng lên so với năm học trước. Các cơ sở giáo dục, giáo viên cần tiếp tục phối hợp sâu hơn với gia đình của trẻ để khắc phục điều này. Vụ Giáo dục Mầm non cũng sẽ phối hợp với Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GDĐT) để có các bài tập luyện, hỗ trợ phụ huynh chăm sóc trẻ trong thời gian trẻ phải tạm dừng đến trường do dịch bệnh.