Theo đó, BHXH TP Hà Nội yêu cầu BHXH các quận, huyện, thị xã tiếp tục tham mưu cho Quận, Huyện ủy, UBND quận, huyện, thị xã ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện công tác BHYT HSSV, phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT; đưa chỉ tiêu tham gia BHYT HSSV là một trong các tiêu chí đánh giá phân loại tổ chức cơ sở Đảng, cũng như để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị; chỉ đạo các trường học cấp và gia hạn thẻ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên thông qua giao dịch điện tử; chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan BHXH hướng dẫn cài đặt ứng dụng VssID cho HSSV.
Về công tác thu BHYT HSSV, phương thức thu phí BHYT phải linh hoạt để giảm nhẹ tiền đóng góp của phụ huynh học sinh vào đầu năm học (3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng). Chỉ thực hiện thu phí BHYT một lần nếu HSSV có nguyện vọng và tự nguyện đóng.
TP Hà Nội phấn đấu 100% HSSV tham gia BHYT. (Ảnh: Khánh Huy)
Các đơn vị BHXH quận, huyện, thị xã hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, dữ liệu do các cơ sở giáo dục chuyển đến (lập và gửi danh sách cấp thẻ BHYT HSSV theo hình thức giao dịch điện tử); rà soát, đối chiếu để kịp thời cấp mới, gia hạn thẻ BHYT HSSV, tránh tình trạng cấp thiếu hoặc trùng thẻ; cung cấp danh sách thẻ BHYT sắp hết giá trị sử dụng gửi đến các cơ sở giáo dục để đôn đốc HSSV tiếp tục tham gia; hướng dẫn cài đặt ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số” cho HSSV để sử dụng hình ảnh thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh BHYT;
Đồng thời, gửi văn bản đôn đốc đến các cơ sở giáo dục có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT chưa đạt 100% hoặc làm việc trực tiếp với các cơ sở giáo dục (khi các cấp có thẩm quyền cho phép được dừng các biện pháp phòng chống dịch).
Đa dạng hóa phương thức truyền thông
BHXH TP Hà Nội đề nghị BHXH các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ sở giáo dục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về BHYT đối với HSSV; kết hợp tuyên truyền về các tính năng, cách thức cài đặt, sử dụng của ứng dụng Bảo hiểm xã hội số (VssID) cho HSSV và các bậc phụ huynh; tập trung vào truyền thông một số nội dung trọng tâm, trọng điểm về BHYT HSSV trước thềm năm học mới 2021-2022.
Ngoài ra, phối hợp với các tổ chức Hội, Đoàn thể (Hội Sinh viên,… trong các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề; Đoàn Thanh niên trong các trường THPT) lựa chọn các hình thức truyền thông phù hợp như: tổ chức các hoạt động truyền thông, phổ biến, tư vấn, giải đáp về chính sách, pháp luật BHYT đến HSSV; lồng ghép tuyên truyền BHYT HSSV trong các buổi sinh hoạt thường kỳ của tổ chức đoàn, hội…
Đồng thời, tăng cường truyền thông về BHYT HSSV qua các kênh và phương tiện tuyên truyền trên mạng internet, nền tảng di động và các phương tiện thông tin đại chúng (hệ thống loa truyền thanh cơ sở, Cổng thông tin điện tử của UBND địa phương), truyền thông trực quan (tờ rơi, băng rôn, khẩu hiệu…).