Kẽm tác động đến cấu trúc hệ thần kinh
Tại các tỉnh miền núi, vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao hơn so với trung bình cả nước khi tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp hai lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em là người Kinh (tương ứng 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).
Các bằng chứng hiện tại cho thấy mặc dù tỷ lệ tử vong mẹ ở cấp quốc gia đã giảm xuống còn 46 ca tử vong/100 nghìn trẻ đẻ sống, nhưng tỷ lệ này vẫn ở mức cao với 100 đến 150 ca tử vong/100 nghìn trẻ đẻ sống ở các vùng miền núi và vùng dân tộc thiểu số, như ở khu vực trung du và miền núi phía bắc và khu vực Tây Nguyên. Hơn một nửa số ca tử vong mẹ xảy ra tại các bệnh viện tuyến huyện và tỉnh do năng lực quản lý các biến chứng thai sản của các cơ sở y tế vẫn còn hạn chế.
ThS. Lê Thị Hải, nguyên cán bộ Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, kẽm đóng một vai trò sinh học không thể thiếu đối với sức khỏe con người cho dù kẽm chiếm khoảng vài phần triệu trọng lượng khô của cơ thể. Kẽm tham gia vào thành phần của trên 300 enzym khác nhau, được xem như chất xúc tác không thể thiếu của ARN – polymerase trong quá trình nhân bản AND.
Đây là chức năng quan trọng giúp kích thích tăng trưởng ở trẻ em. Kẽm vừa là cấu trúc vừa tham gia vào duy trì chức năng của hàng loạt các cơ quan quan trọng. Kẽm có độ tập trung cao trong não, nếu thiếu kẽm ở các cấu trúc thần kinh có thể dẫn đến nhiều rối loạn thần kinh.
Vai trò hết sức quan trọng nữa của kẽm là tham gia điều hòa chức năng của hệ thống nội tiết và có trong thành phần các hormone (tuyến yên, tuyến thượng thận, tuyến sinh dục…). Hệ thống này có vai trò quan trọng trong việc phối hợp với hệ thống thần kinh trung ương, điều hòa hoạt động sống trong và ngoài cơ thể.
Kẽm còn là chất chống oxy hóa, chống lại các tổn thương do nhiễm khuẩn và nhiễm các độc tố, làm mau lành vết thương bảo vệ làn da, phòng chống ung thư và chống lão hóa, duy trì hoạt động bình thường của chức năng tình dục.
Kẽm giúp tăng cường cảm giác ngon miệng nên rất quan trọng đối với trẻ em. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc bổ sung kẽm cải thiện chiều cao đối với trẻ thấp lùn và tăng cân nhanh ở trẻ suy dinh dưỡng nhẹ cân. Thiếu kẽm ở phụ nữ mang thai sẽ làm giảm cân nặng và chiều cao ở trẻ sơ sinh. Điều đó cho thấy vai trò mật thiết giữa tình trạng chán ăn, chậm lớn, còi xương và suy dinh dưỡng với việc thiếu kẽm.
Kẽm cần thiết cho sự phát triển và thực hiện chức năng của hệ miễn dịch. Hệ thống miễn dịch đặc biệt nhạy cảm với tình trạng kẽm của cơ thể. Thiếu kẽm sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển & chức năng của hầu hết các tế bào miễn dịch (tế bào T, tế bào B & đại thực bào). Gần đây, các thầy thuốc đặc biệt quan tâm đến việc bổ sung kẽm cho các bệnh nhân bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể. Đặc biệt WHO đã đưa kẽm vào phác đồ điều trị tiêu chảy bên cạnh Oresol.
Kẽm tập trung nhiều ở hệ thần kinh, chiếm khoảng 1,5% tổng lượng kẽm trong toàn bộ cơ thể, giúp ổn định hoạt động của tế bào thần kinh, duy trì phát triển trí não, trí lực, trí nhớ và giảm lo âu căng thẳng. Nếu cơ thể được bổ sung đầy đủ kẽm, đặc biệt là ở trẻ em, sẽ giúp cho trẻ có khả năng tư duy, trí nhớ tốt.
Kẽm giúp bình thường hóa hoạt động của thị lực và tính toàn vẹn ở da. Kẽm là vi chất cần thiết để tổng hợp enzym giúp chuyển hóa retinol thành retinaldehyd trong ruột & các tổ chức khác (kể cả võng mạc mắt). Kẽm còn tham gia vào quá trình tổng hợp và điều hòa protein vận chuyển vitamin A. Thiếu kẽm sẽ làm giảm RBP huyết thanh & vitamin A bị ứ đọng tại gan mà không được đưa đến cơ quan đích dẫn đến biểu hiện thiếu vitamin A trên lâm sàng dù nguồn dự trữ vitamin A ở gan vẫn còn cao.
Một số thực phẩm thông dụng giàu Kẽm
Vậy, làm thế nào để phòng thiếu kẽm cho cộng đồng đặc biệt là phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ nhỏ là điều tổ chức Y tế thế giới (WHO) và tổ chức nông lương thế giới (FAO) đang rất quan tâm. Các chuyên gia dinh dưỡng có một số lời khuyên cho phụ nữ trong giai đoạn này nên quan tâm đến chế độ ăn đủ dinh dưỡng và kẽm, cần ăn các bữa ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật (thịt, cá, trứng, sữa, hải sản, nhộng tằm, thịt bò...).
Phòng chống thiếu kẽm cho trẻ phải được quan tâm cùng với phòng chống thiếu kẽm cho các bà mẹ từ lúc mang thai (khi có các biểu hiện nghén, biếng ăn, giảm ăn, bào thai chậm tăng trưởng). Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến ít nhất 24 tháng. Sau 6 tháng do bé phát triển nhanh và nhu cầu kẽm tăng, nếu thiếu sữa mẹ, phải cho bú sữa ngoài theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Cần đưa thêm kẽm qua thức ăn dặm hay bổ sung kẽm bằng đường uống theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
Dinh dưỡng phát triển trí não trẻ em
ThS Lê Thị Hải cho biết, sự phát triển trí thông minh ở trẻ phụ thuộc vào 3 yếu tố: Do di truyền (do gen); Do chế độ dinh dưỡng; Do sự rèn luyện, học tập, môi trường sống. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng một số chất dinh dưỡng nếu bị thiếu hụt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí não ở trẻ em đó là:
Chất đạm (protein): Protein là vật liệu xây dựng nên các tế bào mô, cơ quan, cung cấp các nguyên liệu cần thiết cho sự hình thành các dịch tiêu hóa, các nội tiết tố, các men và các vitamin. Khi thiếu chất đạm sẽ ảnh hưởng sự phát triển của cơ thể nói chung và não bộ nói riêng.
Iốt: Khi trong thực phẩm thiếu iốt thì không những lượng iốt di chuyển qua nhau thai của người mẹ sang bào thai sẽ không đủ để đáp ứng sự phát triển não bộ tối ưu, mà nguy cơ hàm lượng iốt trong sữa mẹ cũng sẽ rất thiếu dẫn đến suy giảm sự phát triển não bộ và dẫn đến bệnh đần độn do thiểu năng tuyến giáp.
Sắt: Sắt là thành phần của huyết sắc tố myoglobin, các xitrocrom và nhiều engym khác. Sắt vận chuyển oxy và giữ vai trò quan trọng trong hô hấp tế bào. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh thiếu sắt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển não bộ trong thời thơ ấu. Trẻ bị thiếu máu thiếu sắt có chỉ số phát triển tâm thần và vận động thấp hơn trẻ cùng trang lứa cùng môi trường sống. Khi trẻ đã lớn thiếu máu thiếu sắt cũng ảnh hưởng đến sự phát triển trí nhớ và ảnh hưởng đến kết quả học tập do ngủ gật trong giờ học và thiếu oxy não.
Các axit béo không no chuỗi dài: Thành phần của não bộ có đến 60% là chất béo. Trong đó DHA (Docosahexaenoic Acid) và ARA (Arachidonic Acid) là các thành phần lipid chính của não. Trong thời gian có thai người mẹ huy động DHA và ARA để hỗ trợ cho sự phát triển não bộ thai nhi. Người mẹ tiếp tục cung cấp hai dưỡng chất quan trọng này qua nguồn sữa của mình nên nuôi con bằng sữa mẹ làm tăng chỉ số thông minh của trẻ. Trẻ được bú sữa mẹ có chỉ số thông minh (IQ) cao hơn trẻ bú bình từ 3 - 5 điểm.
Ngoài 4 chất dinh dưỡng kể trên còn nhiều các vi chất dinh dưỡng khác như: kẽm, magiê, đồng, crom, selen…cũng rất quan trọng cho sự phát triển cơ thể của trẻ cũng như não bộ. V
Muốn con thông minh, các bà mẹ cần phải làm gì? Trước và trong thời kỳ mang thai, thời gian cho con bú người mẹ phải ăn uống đầy đủ các dưỡng chất quan trọng để phát triển tốt não đó là: chất đạm, iốt, sắt, axit folic, các axit béo chưa no (DHA, ARA) có trong các loại thực phẩm như thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, rau xanh và quả chín.
Người mẹ nên ăn nhiều cá nhất là các loại cá biển có chứa nhiều axit béo chưa no (DHA, ARA), uống thêm dầu gan cá, ăn các loại dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu oliu…) cũng cung cấp các tiền DHAvà ARA, đó là các anpha linolenic, axit linoleic…khi vào trong cơ thể sẽ được tổng hợp thành DHA và ARA.
Nhiều nghiên cứu đã được chứng minh khi có thai bà mẹ ăn cá thường xuyên > 5 lần/tuần sinh ra con có chỉ số IQ cao hơn 8 điểm so với các bà mẹ không ăn cá trong thời kỳ mang thai. Tiếp tục 2 năm cho con bú nếu bà mẹ thường xuyên ăn cá, dầu thực vật thì nguồn DHA và ARA trong sữa cao giúp cho sự phát triển thị lực và trí não của trẻ.
Trong giai đoạn quan trọng của 2 năm đầu đời, thời kỳ ăn dặm (từ tháng thứ 7 - 3 tuổi): Trẻ cần được ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để cung cấp chất đạm, chất sắt, qua nguồn thức ăn động vật như thịt, cá, trứng, sữa, ăn muối, nước mắm có bổ sung iốt. Các axit béo không no từ dầu ăn, dầu gan cá, cá biển, các loại vitamin và muối khoáng khác từ nguồn rau xanh và quả chín, uống các loại sữa có bổ sung DHA, ARA, Iốt, sắt, taurin và các vi chất dinh dưỡng khác.
Như vậy muốn có đứa con thông minh, khỏe mạnh các bà mẹ phải chuẩn bị từ trước khi mang thai 1 - 3 tháng. Ăn uống đầy đủ khi mang thai, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung đầy đủ và hợp lý thì trẻ sẽ phát triển tốt về thể lực và trí não, kết hợp với việc giáo dục và môi trường sống tốt chúng ta sẽ có những trẻ em thông minh và khỏe mạnh, trở thành nguồn nhân tài cho đất nước mai sau.