DẠY CON QUA NHỮNG CÂU CHUYỆN THƯỜNG NGÀY!
Mình thường chia sẻ với con những câu chuyện hằng ngày của mình, cách mình đã tiếp nhận và xử lý mọi việc như thế nào. Tình huống giúp bà cụ nằm viện tìm được phòng là một trường hợp như thế.
Hôm qua khi mẹ đi viện chăm bà ngoại, có một bà cụ đi lạc vào phòng, bà cụ cứ đinh ninh giường bà ngoại nằm là giường của bà. Mọi người bảo giường này họ nằm lâu rồi, chắc bà nhầm đó. Nhưng bà cụ bảo "tôi đã trải chăn ra rồi mà, chăn của tôi màu hồng giống cái chăn này này". Mẹ đứng lên hỏi bà, bà có nhớ bà nằm ở phòng nào không? Mẹ con điều trị ở đây mấy hôm rồi, có thể là bà nhớ nhầm đó ạ. Để con dẫn bà đi tìm phòng.
Nghe mẹ nói xong, bà cụ cũng bình tĩnh lại rồi bảo nhưng bà đã trải đồ ra rồi, xuống tầng 1 ăn cơm rồi đi lên đây, giờ không thấy giường đâu. Mẹ dẫn bà sang phòng hành chính để hỏi cho bà, đọc tên của bà cho các cán bộ y tế nhưng họ bảo không có tên bà ở khoa. Do đó họ chịu, không giúp gì được.
Mẹ bảo bà đưa mình xem giấy khám bệnh của bà thì thấy là phòng phổi, mẹ cùng bà lên tầng 12. Lên tầng 12 họ tra cũng không ra tên của bà. Bà chỉ đi có mỗi một mình, không có ai để hỏi, điện thoại bà cũng không nhớ. Mẹ hỏi về bệnh của bà, bà nói tôi còn bị tim nữa. Mẹ quay sang nói với các chị y tá, chị ấy bảo thế có khi ở tầng 13, để chị đi tra xem sao. Chị ấy tra thì cuối cùng ra được tên của bà và bà ở phòng giống phòng của bà ngoại thật. Mẹ dẫn bà vào thì đúng là có cái chăn màu hồng khá giống chăn của bà ngoại. Mẹ dặn bà, bà phải nhớ là mình ở tầng 13 nha, nếu không bị lạc là lại mất công đi hỏi đó. Bà cảm ơn mẹ rồi vào nghỉ ngơi.
Bạn nhà mình nghe mẹ kể xong, thích lắm, cứ bảo mẹ kể lại đi mẹ, con thấy hay quá à. Mình kể lại cho con nghe nhưng lần này mình sẽ bắt đầu đưa thêm chia sẻ vào trong đó. Chẳng hạn như khi bà cứ đinh ninh nhận giường của bà ngoại là giường của mình, mẹ nghĩ bà cũng nằm phòng giống phòng bà ngoại nhưng là khác tầng. Rồi lúc này mẹ dẫn bà sang phòng hành chính để hỏi. Mình cũng chỉ cho con luôn, những phòng mà có các cô chú y tá, bác sĩ trực là phòng hành chính, cần hỏi vấn đề gì, con hãy bắt đầu từ đó.
Mẹ hỏi bà xem tên của bà gì, vì bà nói giọng địa phương, nghe không rõ nên mẹ bảo bà lấy giấy tờ ra để mẹ đi hỏi cho bà. Bà lấy giấy tờ ra thì biết cả họ tên và thông tin của bà, các cô chú y tá, bác sĩ sẽ dễ dàng hỗ trợ cho bà hơn. Tuy nhiên lần đầu tiên ở tầng bà ngoại đang nằm thì không có thông tin của bà cụ vì bà bị bệnh khác. Lúc này mẹ hỏi bà xem bà bị bệnh gì, bà có giấy đi khám hay không. Bà đưa cho mẹ rồi, mẹ bắt đầu nhìn sơ đồ của bệnh viện thì thấy bệnh hô hấp thì nằm ở tầng 12 nên mẹ dẫn bà lên đó. Tuy nhiên lên đó tra thì vẫn không có tên của bà, mẹ hỏi thêm bà còn có bệnh nào nữa, bà nói bà còn có bệnh tim. Thế là các cô y tá và mẹ đoán ở tầng 13. Để chắc chắn các cô ấy tra thông tin ở tầng 13, kết quả là có tên của bà.
Mẹ dẫn bà lên thì có giường của bà thật, bà cũng có chiếc chăn hồng như bà nói. Phòng cũng giống hệt với phòng bà ngoại nằm con ạ. Con thấy đó, những người già, nhất là những người sống có một mình, họ rất cần được chúng ta giúp đỡ. Chúng ta chỉ mất 5, 10 phút thôi nhưng họ có thể mất đến 2,3 tiếng mới tìm ra được nơi mình cần tới. Vậy nên trong cuộc sống nếu có thể giúp đỡ được ai đó trong khả năng của mình thì mẹ đều sẵn sàng giúp đỡ. Đó là lý do tối nào mẹ cũng hỏi em "nay con giúp đỡ được cô và bạn điều gì?" vì mẹ muốn con sẽ nuôi dưỡng tinh thần ấy ngay từ bây giờ từ khi con là một đứa trẻ.
Dạy con kiến thức, kỹ năng rất quan trọng nhưng quan trọng hơn cả là hãy dạy cho con bằng chính lối sống của bạn. Không những con có thể nghe, mà con còn được thấy và chứng kiến những gì bạn làm nữa, chính điều đó mới là hành trang vững vàng nhất giúp con bước vào đời.