Hà Nội dự kiến kịch bản đón học sinh trở lại trường theo 4 giai đoạn với từng lớp, cấp học. ẢNH M.C
Trao đổi với Thanh Niên sáng nay, 25.4, ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết hiện sở đã dự kiến một số kịch bản cho học sinh trở lại trường để xin ý kiến UBND thành phố.
"Việc học sinh trở lại trường phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Sở xây dựng kịch bản, tham mưu và Chủ tịch UBND thành phố sẽ đưa ra quyết định cuối cùng", ông Tiến nói.
Học sinh lớp 9 và lớp 12 dự kiến đi học từ 4/5
Theo ông Tiến, nếu tình hình dịch bệnh ổn định, giai đoạn đầu, Sở GD-ĐT đề xuất cho cho học sinh khối 9 và 12 đi học từ 4/5 để chuẩn bị các kỳ thi quan trọng như thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT. Lúc này, do số học sinh đi học ít nên đủ phòng và đủ cơ số giáo viên để chia tách ra từng lớp nhỏ, đảm bảo khoảng cách giãn cách học sinh tối thiểu 1,5 m theo quy định của Bộ Y tế.
Giai đoạn 2, dự kiến khoảng sau đó 2 tuần, khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát ổn định, đảm bảo học sinh có thể đi học lại bình thường sẽ cho học sinh từ lớp 5 đến lớp 12 đi học.
Giai đoạn 3, dự kiến tuần cuối cùng của tháng 5, học sinh từ lớp 1 đến 12 sẽ trở lại trường.
Riêng lứa tuổi mầm non, theo ông Tiến, sẽ là giai đoạn cuối cùng đi học, nếu dịch kiểm soát tốt sẽ cho các cháu đi học trở lại từ đầu tháng 6.
Về quy định giãn cách học sinh 1,5 m khi toàn bộ học sinh đi học thì Hà Nội sẽ xử lý thế nào, ông Tiến cho rằng, khi tất cả các cấp học đã đi học đại trà, nghĩa là tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn, việc dạy và học sẽ diễn ra bình thường và không phải áp dụng quy định giãn cách trên đây nữa”, ông Tiến nói.
Theo lý giải của Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, tất cả các trường học đều mở cửa, nội thành không thể giãn cách trong lớp 1,5 m là do khu vực này các trường đều học 2 ca. Nếu giãn cách, mỗi lớp học ít nhất phải chia thành 2 lớp nhỏ thì không thể đủ cơ số phòng và giáo viên bởi sẽ phải cần số lượng giáo viên gấp đôi. Điều này không thể thực hiện được.
Ông Tiến cho hay, đối với cấp mầm non và tiểu học, nếu chỉ tổ chức học 1 buổi/ngày, thì việc đưa đón trẻ sẽ rất khó khăn. "Do vậy, căn cứ vào tình hình dịch bệnh, Sở xin ý kiến của thành phố đề xuất 2 cấp học này sẽ học cả ngày và buổi trưa có phục vụ bán trú. Tất nhiên, chỉ khi tình hình dịch bệnh được đẩy lùi, ổn định, Sở mới đề cập đến việc cho 2 cấp học này trở lại trường”, ông Tiến khẳng định.
Ở những nơi có nguy cơ cao như huyện Thường Tín và huyện Mê Linh, theo ông Tiến, nếu đến ngày 4.5 đã hết giai đoạn cách ly, học sinh ở đây vẫn đến trường như các địa phương khác. Giả sử đến ngày 4.5 nhưng các huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn chưa hết thời gian cách ly, Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục lùi thời gian trở lại trường của hai địa phương này.
Vẫn phải kết hợp học từ xa
Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, nếu đi học trở lại vào ngày 4.5 với khối 9 và 12, học sinh sẽ có 10 tuần, Hà Nội vẫn đáp ứng được bởi Bộ GD-ĐT đã có tinh giản chương trình.
Đối với các khối lớp khác, Sở đã tính phương án lùi còn 6 và 8 tuần. Trong thời gian đó, các em vẫn học từ xa. Thời gian còn lại, Sở sẽ sắp xếp để cung cấp kiến thức cho các em học sinh và tiến hành một số bài kiểm tra định kỳ.
Về phương thức đánh giá học sinh, ông Tiến cho biết, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã xin ý kiến của Bộ GD-ĐT về việc đánh giá qua hình thức trực tuyến, kết hợp với đánh giá trực tiếp khi học sinh quay trở lại trường.
Đối với một số em có kết quả học trực tuyến không tốt, Sở có kế hoạch chỉ đạo các nhà trường rà soát, với học sinh còn yếu, nhà trường sẽ có biện pháp để phụ đạo với những học sinh này.
Để tránh xuê xoa trong công nhận kết quả, theo ông Tiến, việc kiểm tra đánh giá phải theo chuẩn kiến thức và được tiến hành, giám sát chặt chẽ.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội: Kịch bản đón học sinh sẽ có "phân vai" trách nhiệm cụ thể
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 thành phố Hà Nội chiều 24/4, ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, phát biểu: "Để chuẩn bị cho học sinh quay lại trường, Sở GD-ĐT đang yêu cầu rà soát để các trường tiếp tục bổ sung trang thiết bị và kịch bản đón học sinh, phân vai cụ thể, từng nội dung công việc giao cho cán bộ quản lý, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn….
Mục tiêu là làm sao quản lý tốt nhất để học sinh từ nhà đến trường học tập và trở về an toàn. Khi thành phố đồng ý cho học sinh quay lại trường học thì chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm kịch bản này".