Sau thời gian thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã kiểm soát và kiềm chế tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan còn cao. Quán triệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 19 ngày 24/4/2020 và Chỉ thị số 31 ngày 03/4/2020 của Ban Thường vụ Thành ủy, nhằm thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời khởi động lại và tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, mới đây UBND Thành phố tiếp tục ban hành Chỉ thị 07 với nhiều nội dung dựa trên tình hình mới.
Theo đó, Chỉ thị 07 nêu rõ: Hà Nội tiếp tục nâng cao nhận thức và hành động, quán triệt sâu sắc quan điểm “chống dịch như chống giặc”, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, đề cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Thành ủy, UBND Thành phố. Đồng thời, thực hiện mục tiêu tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm với các điều kiện cụ thể của Thành phố.
Để phù hợp với thực tiễn, Thành phố sẽ dần nới lỏng các biện pháp hạn chế, từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trên cơ sở bảo đảm kiểm soát tốt dịch bệnh.
Cụ thể:
Tiếp tục dừng các hoạt động lễ hội, nghi lễ tôn giáo, giải đấu thể thao, sự kiện có tập trung đông người tại nơi công cộng, sân vận động và các sự kiện lớn chưa cần thiết. Thực hiện việc hiếu, hỷ văn minh, hạn chế tối đa tập trung đông người và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, tránh lây lan dịch bệnh. Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: khu vui chơi, giải trí, cơ sở làm đẹp (trừ hiệu cắt tóc), karaoke, mát-xa, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, internet, nhà hát, rạp chiếu phim.
❗Các cơ sở kinh doanh dịch vụ được hoạt động trở lại phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch như. Đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, cà phê giải khát - là nơi có nguy cơ lây nhiễm trực tiếp cần thực hiện giãn cách tối thiểu 2m giữa người với người hoặc giữ khoảng cách tối thiểu 1m và có tấm chắn giữa các vị trí ngồi, không sử dụng đồ chung, khuyến khích bán hàng mang về nhà.
❗Các cửa hàng kinh doanh, dịch vụ, trung tâm thương mại, siêu thị tại các quận nội thành, thị trấn, khu đô thị mới trên địa bàn (trừ các cửa hàng kinh doanh ăn uống, thuốc chữa bệnh, xăng dầu, kinh doanh các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa quả trong các chợ) chỉ được mở cửa sau 09 giờ sáng hàng ngày để hạn chế tiếp xúc, giảm mật độ giao thông tại các khu vực đô thị.
❗Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trường xây dựng tiếp tục hoạt động và phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động.
❗Hoạt động vận chuyển hành khách công cộng liên tỉnh, nội tỉnh được hoạt động trở lại nhưng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế.
❗Giảm, giãn số học sinh trong phòng học, bố trí lệch giờ học, ăn trưa, sinh hoạt tập thể bảo đảm không tập trung đông người; thực hiện khử trùng, vệ sinh lớp học; kết hợp học trực tuyến, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho học sinh. Phương án cụ thể theo hướng dẫn của ngành Giáo dục và Đào tạo cùng ngành Y tế.
❗Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở chịu trách nhiệm xây dựng phương án làm việc cho cơ quan, đơn vị một cách phù hợp bảo đảm an toàn cho cán bộ, nhân viên. Khuyến khích họp trực tuyến và làm việc qua ứng dụng CNTT. Đối với sự kiện phục vụ mục đích chính trị, kinh tế xã hội thực sự cần thiết phải do cấp uỷ, chính quyền địa phương quyết định và thực hiện các biện pháp phòng chống lây nhiễm.
❗Đối với huyện Mê Linh và Thường Tín: Tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 2601 của Văn phòng Chính phủ, Chỉ thị số 05 của Chủ tịch UBND Thành phố. Các phương tiện vận tải được phép qua lại trên các tuyến đường liên tỉnh, quốc lộ thuộc địa bàn có nguy cơ cao, nhưng phải đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch theo quy định và không dừng, đỗ, đón trả khách.
❗Đối với các Sở ngành, tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng chống, kiểm soát dịch, đi cùng với tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân trở lại sản xuất, kinh doanh, chủ động tìm kiếm phương án kinh doanh phù hợp với tình hình mới, chú trọng phát triển thị trường nội địa. Nhiệm vụ cụ thể với từng Sở ngành đã được UBND Thành phố nêu rõ tại Chỉ thị lần này, với quyết tâm giảm thiểu thiệt hại do dịch CoViD-19 gây ra, cùng cả nước hoàn thành mục tiêu kép.