“Đừng gây bất lợi cho con bằng việc cho chúng cuộc sống quá dễ dàng”. Đây là nguyên tắc hay về nuôi dạy con tự lập nhưng không phải ba mẹ nào cũng thực hiện được. Nếu muốn rèn cho con tính tự lập ngay từ nhỏ, ba mẹ đừng bỏ qua 6 phương pháp và 3 nguyên tắc tự lập trẻ mầm non trong bài viết này.
Vì sao ba mẹ nên rèn tính tự lập cho con ngay từ độ tuổi mầm non?
Tại Nhật Bản, trẻ em được giáo dục về tính tự lập từ rất sớm, ngay khi con bắt đầu biết nhận thức. Ngay từ độ tuổi mầm non, ba mẹ đã đưa con đến điểm đón xe bus để con tự đến trường cùng các bạn. Thậm chí, trẻ chỉ mới 2-3 tuổi đã biết tự mình vệ sinh cá nhân, tự mặc quần áo gọn gàng và biết cách tự mình sắp xếp lên thời gian biểu cho cuộc sống. Điều này khiến nhiều ba mẹ trên khắp thế giới ngạc nhiên và ngưỡng mộ cách dạy con của người Nhật Bản. Tự lập trẻ mầm non là một trong những phương pháp giáo dục tạo nên điều tuyệt vời này.
Dạy con tự lập là một hành trình không hề dễ dàng, thật khó để nhìn thấy con vật lộn với những bài học, nhưng điều này lại giúp con phát triển tư duy và đủ bản lĩnh để vượt qua các nhiệm vụ lớn hơn trong tương lai. Tự lập trẻ mầm non nhằm giúp con có thể rèn luyện khả năng suy nghĩ độc lập, dũng cảm đối mặt với thử thách. Tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ là một hành trang vững trãi mà ba mẹ cần bồi đắp cho con, giúp con định hình tính cách, hình thành nhiều thói quen tốt trong giai đoạn trưởng thành.
6 cách rèn tự lập trẻ mầm non bất kỳ ba mẹ nào cũng thực hiện được
“Có nhiều cách làm hư con: Làm hư tinh thần bằng việc chiều chuộng quá mức; làm hư ý chí bằng việc chiều chuộng mọi sở thích, và làm hư trái tim bằng sự lo lắng phục vụ quá đáng.” Ba mẹ nào cũng yêu thương con, muốn dành những điều tốt đẹp nhất cho con nên vô tình làm “hư” con.
Để áp dụng phương pháp tự lập trẻ mầm non hiệu quả, đòi hỏi ở ba mẹ một sự nỗ lực, kiên trì và nhất quán đủ lớn. Cùng tham khảo 6 cách rèn tự lập cho con mà ba mẹ có thể áp dụng ngay hôm nay!
Rèn tự lập trẻ mầm non bằng cách cho con lập kế hoạch hàng ngày
Trí não con phát triển rất nhanh vào những năm đầu đời. Kỹ năng tư duy lúc này cũng phát triển nhanh chóng, vì thế đây là thời điểm “vàng” để ba mẹ hướng dẫn con tự mình lập kế hoạch cho các hoạt động trong ngày, thực hiện chúng đúng thời gian biểu. Điều này sẽ giúp con hình thành nên thói quen chủ động trong cuộc sống.
Ba mẹ nên hướng dẫn con cách lập thời gian biểu, quản lý thời gian và hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian dự kiến. Thay vì nhắc nhở quả thường xuyên, ba mẹ nên thông báo cho con những khung giờ quan trọng mà con cần hoàn thành công việc. Ví dụ như: Dậy sớm trước 6h30 sáng để vệ sinh cá nhân, hoàn thành bài tập về nhà trước 9h tối, chỉ được xem ti vi từ 7h - 8h… Quan trọng là ba mẹ hãy rèn cho con thói quen và sự tự giác, cho con hiểu rằng con cần tự chịu trách nhiệm với kế hoạch đã đặt ra.
Thay vì giao cho con một danh sách dài những nhiệm vụ, hãy giải thích cho con đâu là mục tiêu cần được ưu tiên. Một mẹo nhỏ cho ba mẹ khi bắt đầu cho con làm quen với thời gian biểu: Hãy liệt kê các công việc con cần hoàn thành trong ngày hoặc trong tuần, sau đó hướng dẫn con cách sắp xếp các nhiệm vụ theo thời gian biểu và thứ tự ưu tiên. Thói quen này cũng giúp con hiểu hơn về cách sắp xếp công việc, rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch và xử lý tình huống
Để con tự lập làm những công việc nhà trong khả năng của mình
Làm việc nhà là một cách hiệu quả mà ba mẹ có thể hướng dẫn con thực hiện khi áp dụng phương pháp tự lập trẻ mầm non, mang lại nhiều ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển của trẻ. Đây là phương pháp được hầu hết ba mẹ Nhật áp dụng và đạt được những kết quả tuyệt vời.
Một số công việc nhà mà ba mẹ có thể hướng dẫn con thực hiện trong độ tuổi mầm non, đó là:
-
Dạy con tự mặc quần áo: Ba mẹ nên hướng dẫn và tập cho con cách tự mặc quần áo, tốt nhất là tự để con đưa ra quyết định, mặc bộ đồ mà con thích. Ngoài mục đích rèn cho con sự tự lập, chủ động, đây còn là một cách giúp con phát triển tư duy sáng tạo.
-
Dạy con dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi: Phân loại và dọn dẹp đồ dùng, đồ chơi sau khi sử dụng là một phương pháp học tập tính tự lập rất hiệu quả dành cho con ở độ tuổi mầm non. Bước đầu tiên, sau khi chơi, ba mẹ hãy giao cho con nhiệm vụ phân loại đồ chơi, đồ dùng theo màu sắc, kích thước, chất liệu, hình dạng hoặc công dụng. Sau đó, hãy hướng dẫn cách so sánh, phân loại, đếm số lượng đồ dùng, đồ chơi. Hoạt động này không chỉ giúp con tự dọn đồ của mình mà còn giúp chúng khám phá thêm nhiều kiến thức, rèn luyện kĩ năng đếm, phân tích và so sánh.
-
Dạy con cách chia sẻ, giúp đỡ: Ba mẹ nên giáo dục cho con ngay từ tuổi mầm non cách chia sẻ, giúp đỡ người khác như chia sẻ đồ chơi, đồ ăn với bạn, giúp ba mẹ cất đồ, quan tâm và chăm sóc ông bà, ba mẹ… Hãy cho con hiểu rằng, đó là những việc làm tốt, là cơ hội tuyệt vời để con thấy bản thân có ích, hình thành tinh thần trách nhiệm và năng lực của con.
-
Dạy con dọn dẹp phòng: Cha mẹ hãy hướng dẫn con tự dọn dẹp phòng riêng hay bàn học của mình, cho phép con tự sắp xếp đồ đạc và số lượng đồ dùng cần thiết. Việc này nhằm giúp con học cách quản lý đồ dùng cá nhân, phát triển tư duy logic, sắp xếp đồ đạc một cách hợp lý. Qua đó, ba mẹ cũng hiểu hơn về nhu cầu, sở thích của con. Gia đình hãy tạo cho con thói quen này bằng việc lên kế hoạch tổng vệ sinh nhà cửa vào chủ nhật, cùng thảo luận cách sắp xếp, dọn dẹp hoặc làm mới ngôi nhà của mình…
-
Phụ giúp mẹ nấu ăn: Khi con lớn hơn một chút, ba mẹ có thể hướng dẫn con những việc sơ chế nhà bếp đơn giản như nhặt rau, rửa rau củ… Quá trình này giúp con có cơ hội được quan sát, phân biệt các loại thực phẩm thông qua hình dạng, màu sắc… Con có thể tập làm một số món ăn đơn giản yêu thích như bánh pancake, trứng opla, bánh mì sandwich…Việc được tự tay làm các món ăn cũng giúp con có hứng thú hơn với bữa ăn và có ý thức về dinh dưỡng cho bản thân.
Những thói quen này sẽ giúp con rèn luyện tinh thần trách nhiệm - phẩm chất quan trọng tạo nền tảng tốt cho trẻ trong độ tuổi trưởng thành. Bên cạnh đó, dạy con làm việc nhà cũng giúp con biết trân trọng giá trị của sức lao động, quý trọng bản thân và giúp đỡ người khác.
Giúp con hình thành những thói quen chăm sóc bản thân tốt
Chăm sóc bản thân là một trong những kỹ năng quan trọng mà ba mẹ cần hướng dẫn con trong phương pháp tự lập trẻ mầm non. Đó là:
-
Hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe: Ba mẹ cần giúp con tạo thói quen ăn uống và đi ngủ đúng giờ và nguyên tắc “không được bỏ bữa sáng”. Đâu là thực phẩm lành mạnh, đâu là thực phẩm cần hạn chế ăn… những kiến thức về dinh dưỡng cũng vô cùng quan trọng để giúp con khỏe mạnh tự mình khám phá thế giới. Một cuốn sách nhỏ xinh xắn với hình minh họa cụ thể, dễ hiểu về dinh dưỡng là một món quà gợi ý hay ho mà ba mẹ có thể tặng con.
-
Thói quen vệ sinh cá nhân sáng và tối: Vệ sinh cá nhân đúng cách là kỹ năng cần thiết giúp con tránh được những bệnh truyền nhiễm thường gặp như cảm cúm, đau mắt đỏ, tay chân miệng, đau mắt đỏ… đồng thời giúp con xây dựng sự văn minh, lịch sự từ nhỏ. Vì vậy, giáo dục vệ sinh cho trẻ mầm non là vấn đề ba mẹ nên lưu tâm.
-
Cùng con tập thể dục, nâng cao thể lực: Cùng nhau thực hiện một bài thể dục sáng mỗi ngày từ 5- 10 phút mỗi ngày là một cách hay để con tự lập trong việc rèn luyện sức khỏe. Khi bé đã nhớ được những động tác cơ bản, bố mẹ hãy “trao quyền” để con làm người hướng dẫn bài tập thể dục cho cả gia đình, hoặc con có thể tự lựa chọn một bài nhạc, bài nhảy sôi động.
Để con tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân trước khi đi ra ngoài
Cho con tự lựa chọn trang phục khi đi ra ngoài, một chiếc ba lô nhỏ và khuyến khích con tự chuẩn bị các đồ dùng cần thiết như: Khăn lau tay, khẩu trang, nước rửa tay, bình nước, sữa… Khi đến trường, ba mẹ hãy khuyến khích con tự chuẩn bị đồng phục, sách vở, dụng cụ học tập... Ba mẹ hãy chia sẻ kế hoạch những chuyến đi cùng con và để con tự chuẩn bị trang phục, sắp xếp đồ dùng cá nhân cần thiết như kem chống nắng, áo ấm, găng tay…
Đây là hoạt động giúp con biết cách lập kế hoạch, quản lý đồ dùng cá nhân và tự chịu trách nhiệm về lựa chọn của mình và có những bài học kinh nghiệm về việc tự quản lý đồ dùng cá nhân.
Để con có quyền quyết định
Tự mình ra quyết định tạo cho con sự tự tin, khả năng suy nghĩ độc lập và tinh thần trách nhiệm cao. Đây là nền tảng quan trọng giúp trẻ biết cách tự mình phân tích và đưa ra những quyết định phù hợp, và xử lý vấn đề một cách tốt nhất. Tuy nhiên, ba mẹ nên cùng con tìm hiểu, phân tích và đánh giá tất cả những ưu điểm, nhược điểm và kết quả khi con cần đưa ra quyết định gì đó.
Tạo không gian riêng cho con
Bất kỳ đứa trẻ nào cũng có năng lực tự lập, chỉ cần ba mẹ biết cách khuyến khích và tạo cho con cơ hội được thực hiện điều con có thể. Nếu cha mẹ liên tục ở cạnh và sắp xếp toàn bộ mọi thứ xảy ra, các con sẽ mất đi cơ hội rèn luyện tính tự lập.
Ba mẹ nên tạo cho con một không gian riêng, an toàn và gần gũi, khuyến khích con tự mình khám phá thế giới với đầy ắp trí tưởng tượng, tò mò và sáng tạo. Khi ở nơi công cộng, ba mẹ hãy cho phép con tự quan sát thế giới tự nhiên, cây cối, con vật, tự chọn chỗ ngồi, kết nối và chơi cùng các bạn… Ba mẹ cần lưu ý chỉ nên quan sát con ở khoảng cách an toàn và hỗ trợ con khi cần thiết.
3 “nguyên tắc vàng” để dạy con tự lập thành công
Như vậy, tự lập trẻ mầm non là một phương pháp giáo dục hiện đại mà ba mẹ và con đạt được vô vàn lợi ích. Để áp dụng thành công phương pháp này, ba mẹ cần lưu ý 3 nguyên tắc vàng sau đây:
-
Tạo môi trường gần gũi để trẻ phát triển: Dạy con tự lập không có nghĩa là bạn để mặc con tự mình khám phá thế giới. Ba mẹ hãy khuyến khích điều đó trở nên hiệu quả hơn bằng việc luôn tạo một môi trường gần gũi, thân thiện ở nhà và ở trường.
-
Kiên nhẫn: Ba mẹ cần phải kiên nhẫn khi áp dụng phương pháp tự lập trẻ mầm non, vì đây hoàn toàn là những điều mới lạ với con. Chính vì, ba mẹ cần rất nhiều thời gian để giúp con hình thành thói quen tự lập nên đừng vì sốt ruột hay lo lắng mà thiếu nhất quán trong hành động!
-
Làm gương cho con: Đừng nói với con hãy làm thế nào, hãy cho con thấy làm như thế nào và đừng nói gì cả. Hiệu quả của lời nói sẽ không bao giờ mạnh bằng hành động và ba mẹ chính là tấm gương cho con. Vậy nên, ba mẹ đừng quên tự rèn luyện lối sống kỷ luật, tích cực, luôn truyền đạt những lời yêu thương để con noi theo. Hãy khích lệ con bằng những lời động viên và ghi nhận những thành quả con đạt được, dù là nhỏ nhất.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần tạo động lực cho con, lắng nghe những lời nói và hành động của con, giúp con xử lý cảm xúc theo hướng tích cực nhất. Điều này giúp con hình thành những thói quen tốt, biết cố gắng, nỗ lực để đạt được thành tựu và hạn chế tối đa suy nghĩ tiêu cực, tổn thương.
Một em bé tự lập sẽ luôn tự tin vào khả năng của bản thân, luôn tích cực và tràn đầy kỹ năng để hội nhập và kết nối với thế giới. Các con sẽ là “trái ngọt” mà ba mẹ nhận được nếu biết “ươm mầm” và “vun trồng” đúng cách. Hy vọng, những nguyên tắc tự lập trẻ mầm non trên đây sẽ giúp ích cho ba mẹ trong hành trình này.