TRẺ ĐƯỢC DẠY TỰ LẬP KHI ĐẾN TRƯỜNG MẦM NON
Hầu hết các bậc cha mẹ hiện nay đều có rất ít thời gian để học và chơi cùng con, vậy nên lựa chọn gửi con vào các trường mầm non khi con đủ tuổi là ưu tiên lựa chọn hàng đầu. Tại các trường mầm non, bé sẽ được học tập, vui chơi cùng rất nhiều bạn, được thầy cô chăm sóc, hướng dẫn trong lúc cha mẹ đang làm việc. Ở đó, bé vẫn sẽ phát triển khỏe mạnh, học được cách sống tự lập, biết yêu thương mà không cần cha mẹ luôn bên cạnh. Cha mẹ có tò mò muốn biết thầy cô và trường mầm non đã dạy con tự lập như thế nào không? Hãy cùng tìm hiểu nhé!
Tại sao trẻ được dạy tự lập trong giờ ăn ở trường mầm non
Mỗi trường mầm non sẽ có một thực đơn ăn uống dành cho các bé khác nhau theo từng ngày/tuần/tháng/năm. Thực đơn sẽ được nhà trường cập nhật và gửi về gia đình trong thời gian bé học tại trường. Chất lượng bữa ăn cũng như cách tổ chức hoạt động bữa ăn cho trẻ không chỉ đảm bảo về chất lượng thực phẩm mà còn mang tính chất giáo dục. Khi lồng ghép được rất nhiều bài học trong cả hoạt động ăn của trẻ mà không làm trẻ càm thấy áp lực học tập.
Trường mầm non đã gián tiếp dạy trẻ học cách tự lập trong cách ăn uống, gián tiếp rèn luyện cho trẻ thói quen tự lập trong mọi hoạt động. Vì nhà trường tin rằng, những thói quen tốt hàng ngày sẽ làm nền tảng để đứa trẻ phát triển tư duy, lối sống tốt, trở thành công dân tốt, mở đầu cho những cơ hội thành công của trẻ. Vậy nên, trẻ cần được dạy cách tự lập trong giờ ăn tại trường!
Bữa ăn của trẻ tại các trường mầm non diễn ra như thế nào?
- Giờ ăn bắt đầu đúng giờ: Bữa trưa là bữa trẻ ăn chính ở trường, luôn được bắt đầu đúng giờ. Trẻ sẽ được thầy cô hướng dẫn tiến về khu vực ăn để chuẩn bị cho giờ ăn.
- Vệ sinh tay sạch trước khi ăn: Trước khi ăn, trẻ cần rửa tay thật sạch, trẻ sẽ tự đến xếp hàng cùng các bạn tại khu vực bồn rửa, chờ đến lượt. Tự mình lấy xà phòng và rửa tay theo hình minh họa “6 bước rửa tay đúng cách” treo ngay gần bồn rửa, kèm theo đó là sự quan sát và hướng dẫn của giáo viên. Rửa tay xong, trẻ sử dụng khăn khô lau tay, bỏ khăn đã sử dụng vào thùng đựng khăn dơ, và trở về bàn ăn.
- Tìm hiểu về món ăn: Khi trẻ đã ổn định chỗ ngồi. Thầy cô sẽ giới thiệu các món ăn (tên món ăn, các loại thực phẩm có trong món ăn, lợi ích dinh dưỡng) cho trẻ nhận biết.
Thông thường, bữa ăn của trẻ bao gồm: cơm, canh, món mặn và tráng miệng.
- Giờ ăn của trẻ:
+ Với trẻ mẫu giáo: Sau khi cô chia cơm và thức ăn vào bát nhỏ, trẻ tự lấy cơm về bàn ăn và dùng bữa trong một khoảng thời gian nhất định. Thầy cô sẽ không đút cho trẻ, trẻ phải tự mình dùng thìa và tự ăn, dù trẻ còn vụng về, nhưng điều này cần thiết cho sự phát triển vận động của trẻ. Thầy cô chỉ quan sát, hướng dẫn và giúp đỡ trẻ khi thấy trẻ cần sự giúp đỡ. Khi ăn hết bát cơm thứ nhất (Cơm cùng thức ăn mặn), trẻ tự đong cơm, tự chan canh từ bát to vào bát nhỏ của mình để ăn tiếp cho đến khi no.
+ Với trẻ nhà trẻ: Cô chia cơm và thức ăn vào bát nhỏ, trộn đều lên và chia về bàn cho trẻ. Cô bao quát, hướng dẫn, động viên trẻ tự cầm thìa xúc cơm ăn, lấy thêm cơm canh cho trẻ sau khi trẻ ăn xong bát cơm thứ nhất. Với những trẻ ăn kém, chưa xúc thạo, cô động viên, hỗ trợ, giúp đỡ để trẻ ăn hết xuất.
- Xuyên suốt bữa ăn, thầy cô sẽ cố gắng tạo ra môi trường ăn thoải mái cho trẻ như cho trẻ ngồi theo các bàn nhỏ chung với bạn bè, tập trung dùng bữa để tiêu hóa tốt,…vv. Trẻ cũng được dạy kèm các quy tắc ăn uống cần thiết như Biết mời cơm cô giáo và các bạn; không nói chuyện khi đang ngậm thức ăn; khi ho, hắt hơi biết lấy tay che miệng; biết nhặt cơm, thức ăn vãi vào khay; sử dụng khăn ăn hoặc khăn giấy, không chùi tay vào quần áo,…vv.
- Trẻ tự dọn dẹp sau khi dùng bữa: Trẻ dùng bữa xong tự mình mang đồ dùng cất về vị trí để đồ dơ, nếu còn dư thức ăn, trẻ sẽ đổ vào các xô đồ thừa.Tự cất ghế của mình vào nơi quy định.
- Vệ sinh sau khi ăn: Trẻ cần vệ sinh lại một lần nữa trước khi kết thúc bữa ăn như rửa tay, lau miệng, xúc miệng nước muối. Với trẻ nhà trẻ, sau khi ăn xong xếp hàng lần lượt chờ cô lau miệng, cho uống nước.
Các mô tả trên đây phần nào cũng đã giúp quý phụ huynh hiểu rõ một bữa ăn tại các trường mầm non của trẻ diễn ra như thế nào rồi nhỉ? Cha mẹ sẽ thấy con tự lập trong cách ăn uống ra sao. Mặc dù trẻ có thể còn vụng về, còn hay làm rơi vãi thức ăn, nhưng trẻ đã có thể tự mình dùng bữa, tự mình biết lấy đồ ăn, biết vệ sinh trước và sau khi ăn,… Những thói quen nhỏ được trường học bồi dưỡng cho trẻ mỗi ngày, dần dần sẽ hình thành cho trẻ nền tảng sống tự lập trong mọi công việc. Để trẻ trở thành những em bé ngoan, luôn có ý thức tự giác, lối sống tích cực,…vv.
Ba mẹ có thể yên tâm khi gửi gắm con tại trường mầm non bởi ngoài việc được dạy học, được vui chơi thì các con còn được các cô chăm sóc tận tình từng bữa ăn, giấc ngủ ba mẹ nhé!