“Time – out tích cực” và cách giáo viên Montessori kỷ luật trẻ
Nghiên cứu tâm lý trẻ mầm non cho thấy, trẻ nhỏ là nhóm đối tượng dễ thay đổi và không chấp nhận giáo điều. Nếu bạn răn dạy, quát mắng, la hét thường xuyên, các con không chỉ không tiếp nhận lời bạn dạy dỗ mà còn dễ rơi vào các trạng thái như lo lắng, sợ sệt, đề phòng, thu mình hoặc bướng bỉnh, nóng giận, tức tối…
Đó là lý do hình thức phương pháp Kỷ luật Tích cực với hình thức “Time-out tích cực” ra đời Time-out là cách thức giáo dục để giúp trẻ thay đổi những hành vi bằng cách tạm thời cách ly trẻ ra khỏi môi trường khi mà trẻ có những hành vi, thái độ, hoặc hành động chưa đúng mực, đồng thời giúp trẻ bình tĩnh để suy nghĩ lại về hành động cư xử của mình.
Cô Hoàng Tuyên cho biết: Tại Sakura Montessori, phương pháp này được áp dụng trong các lớp học Montessori. Khi trẻ mất bình tĩnh, giáo viên sẽ yêu cầu trẻ dừng khỏi hoạt động đang thực hiện và dẫn trẻ đến khu vực “time-out”, có thể là bất cứ góc an toàn và yên tĩnh nào trong lớp. Nếu trẻ gây ảnh hưởng đến trẻ khác, giáo viên Montessori có thể tách trẻ ra ngoài lớp và luôn trong tầm kiểm soát của các cô. Trẻ sẽ “Time-out” trong khoảng thời gian ứng với số tuổi của trẻ để con tự cân bằng tâm lý và trấn an bản thân.
Trong suốt quá trình con ngồi tự suy ngẫm, giáo viên Montessori sẽ lùi lại quan sát trẻ để đảm bảo trẻ luôn trong không gian an toàn và không chịu tác động của những sự việc xung quanh.
Sau khi hết thời gian “suy ngẫm”, giáo viên Montessori tại Sakura Montessori nhẹ nhàng lại gần trẻ, sử dụng công cụ “lắng nghe tích cực” để giúp trẻ gọi tên cảm xúc của mình và “lời nói thể hiện cảm nhận của bản thân” để nói lên suy nghĩ của mình trước hành động chưa đúng mực của con.
“Đối với trẻ 0-3 tuổi, chúng tôi chỉ cần trẻ thể hiện đã hiểu và lắng nghe là được. Với trẻ lớn hơn, từ 3 đến 6 tuổi, sau khi nói chuyện với trẻ, giáo viên Montessori sẽ đưa trẻ đến nói chuyện với bạn mà trẻ đã mắc lỗi để trẻ nói chuyện với bạn đó. Những điều này cho thấy bé đã hiểu quy trình và thông điệp của cô.” – Cô Tuyên chia sẻ
Ngoài ra, trong các giờ học nhóm lớn (Circle time), các giáo viên Montessori sẽ nhắc lại nguyên tắc kỷ luật lớp học, hướng dẫn các kỹ năng trẻ sẽ luyện tập và tự kỷ luật.
Qua đó, trẻ học được cách đàm phán để thỏa hiệp trong hòa bình, vui vẻ; biết cư xử lịch sự, nhã nhặn; biết nói lời cảm ơn, xin lỗi…
Đặc biệt, để phương pháp kỷ luật hiệu quả, giáo viên Montessori của Hệ thống Trường Mầm non Sakura Montessori luôn thể hiện sự nghiêm khắc nhất định với trẻ. “Tất cả các giáo viên trong lớp Montessori thống nhất từ đầu đến cuối một phương pháp kỷ luật trẻ, không thay đổi quy trình hay cách thực hiện. Chúng tôi thỏa thuận ngầm với nhau mỗi khi thực hiện một biện pháp kỷ luật với trẻ, nhằm tránh việc trẻ sẽ bám víu vào người khác để chống đối….”
Ba mẹ nên áp dụng phương pháp “Time-out tích cực” tại nhà như thế nào?
Trải qua nhiều năm làm việc với trẻ theo phương pháp Montessori, cô Hoàng Tuyên cho rằng, tại gia đình, ba mẹ hoàn toàn có thể sử dụng phương pháp kỷ luật tích cực này để kỷ luật trẻ trước những hành động chưa đúng mực của con.
Ba mẹ có thể tham khảo “công thức” thực hiện phương pháp kỷ luật tích cực bằng hình thức “Time-out” ngay tại nhà như sau:
- Tại gia đình, hãy set up những khu vực “time-out” dành riêng cho trẻ ở nơi yên tĩnh, tách biệt với khu vui chơi hoặc phòng khách của gia đình để khiến trẻ phải tự mình suy nghĩ, bình tâm và nhìn nhận lại vấn đề.
- Mỗi đứa trẻ có thể bình tĩnh theo nhiều cách khác nhau. Tuy nhiên chúng ta nên sử dụng hình thức “Time-out” tại một số nơi cố định đáp ứng một số điều kiện. Nơi này không nên là một nơi mà có thể sử dụng cho những việc khác, khi con bạn chắc chắn sẽ liên tưởng một cách tiêu cực với nơi áp dụng “Time-Out” (vì thế đừng sử dụng giường ngủ của trẻ để áp dụng Time-out). Trẻ nên được để một mình, và không có bất cứ thứ gì để chơi vì thế nhận thức của trẻ là tiêu cực.
- Hãy thỏa thuận với trẻ về phương pháp kỷ luật tích cực từ trước và nhắc đi nhắc lại trong các cuộc họp gia đình nhằm giúp trẻ hiểu rõ hơn khi con làm sai, con sẽ phải đến khu vực đó để “Time-out”
- Nếu trẻ bướng bỉnh nhất quyết không nghe những lời giải thích, khuyên nhủ của người lớn, hãy tách trẻ ra khỏi hoạt động con đang làm hoặc nhóm bạn con đang chơi… đưa con đến vị trí “Time-out” và “buộc” trẻ phải ngồi riêng ở đó trong một thời gian nhất định.
- Trong khu vực “Time-out”, nếu trẻ nghịch ngợm, không chịu ngồi yên, leo trèo lên ghế hay la hét… hãy dùng giọng nghiêm khắc để nói với trẻ rằng: “Con sẽ phải ngồi yên ở đây cho đến khi ba/mẹ quay lại!”. Khoảng thời gian này được hiểu là “thời gian time – out” để trẻ tự điều chỉnh cảm xúc của mình.
- Sau khi trẻ đã bình tĩnh ba mẹ hãy ngồi xuống, ngang tầm với trẻ và thực hiện giao tiếp bằng mắt, lắng nghe con chia sẻ về hành vi con vừa gây ra, sau đó, ba mẹ hãy nói lên cảm nhận của mình về hành động chưa đúng mực của con và nói rằng đó là nguyên nhân mà trẻ phải ngồi vào “chiếc ghế suy ngẫm” này.
- Ba mẹ có thể yêu cầu một lời xin lỗi của bé để chắc rằng khi con nói ra câu xin lỗi chứng tỏ con đã hiểu về hành vi chưa đúng của mình để tự điều chỉnh về sau.
- Cuối cùng, hãy dành cho con những lời yêu thương và một cái ôm để trẻ cảm thấy được trấn an và không bị tổn thương.
“Time-out” có thể có hiệu quả, đặc biệt cho những trẻ mà gặp khó khăn trong việc chuyển tiếp qua các trạng thái hoặc trò chơi khác, nhưng bạn nên luôn luôn nhớ và mặc định rằng mình phải giúp trẻ tìm ra những cách cư xử tốt trước. Bạn cũng nên chắc chắn rằng con bạn đủ lớn để hiểu về quan điểm của phương pháp “Time-out”.
Nên nhớ, “trẻ cư xử tốt hơn khi chúng cảm thấy tốt hơn”. Cho nên, dù áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực hay bất cứ phương pháp kỷ luật nào thì tôn trọng, lắng nghe và thấu hiểu vẫn là những yếu tố cốt lõi để trẻ học được cách hợp tác linh hoạt, ngoan ngoãn và kỷ luật.