Phát triển những giá trị truyền thống
Nhiều gia đình băn khoăn về việc cần chú trọng cho con lễ nghĩa hay cứ tập trung học hành là đủ. Vấn đề này còn chia ra những quan điểm khác nhau. Chuyên gia cho rằng, cần cho không chỉ con trẻ mà tất cả thành viên trong gia đình hiểu, tại sao phải xây dựng một gia đình văn hóa? Gia đình văn hóa bao gồm những yếu tố nào? Từ đó, mọi người sẽ nhận thức được cần dạy trẻ như thế nào và con nên học cái gì?
Xây dựng gia đình văn hóa từ lâu đã là một phong trào thi đua không chỉ giữa các gia đình mà còn trong các huyện, thị xã, thành phố với nhau. Để xây dựng gia đình văn hóa, mỗi cá nhân trong một gia đình phải sống lành mạnh, tránh xa các tệ nạn xã hội.
Bên cạnh đó là bài trừ những hiện tượng xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng. Đó cũng là những thành tích tiêu biểu trong học tập được mọi người noi theo của không chỉ người lớn mà còn trẻ nhỏ.
Đặc biệt mỗi người cần thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình với gia đình và xã hội. Đồng thời, cần làm những việc trong khả năng của mình để giúp ích cho gia đình, cộng đồng xung quanh.
Theo ThS Trần Minh Hường – Chủ nhiệm bộ môn Tâm lý học (Học viện sáng tạo Thanh thiếu niên), xây dựng gia đình văn hóa không phải là việc chạy theo những lối sống mới, tân thời và bỏ quên những giá trị cũ.
Xây dựng gia đình văn hóa cũng là việc phát huy tốt những giá trị đạo đức của gia đình truyền thống từ bao năm nay. Đi đôi với đó là việc tiếp thu có nhận thức những phong trào, xu hướng mới có chất lượng và có ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng xã hội.
“Có thể nói gia đình hạt nhân là những tế bào nhỏ bé để hình thành nên một xã hội, một cộng đồng lớn. Gia đình có vai trò quan trọng và quyết định trực tiếp đến việc xây dựng và ảnh hưởng không nhỏ đến từng cá nhân. Gia đình là nơi nuôi dưỡng và giáo dục mỗi con người sống có ý thức, có đạo đức và có cống hiến cho xã hội”, ThS Trần Minh Hường nói.
Cũng theo bà Hường, gia đình văn hóa được đề ra để mỗi thành viên trong gia đình có sự cố gắng, nỗ lực trong mọi hoạt động. Từ đó, thay đổi trong tư duy và nhận thức để sống tốt hơn và có ích hơn. Từ đó xã hội mới ổn định và phát triển được.
Xã hội nào cũng được tạo nên từ tập hợp nhiều gia đình mà trong đó là các cá nhân. Xây dựng gia đình văn hóa với nếp sống lành mạnh sẽ tạo ra những con người chuẩn mực, tạo ra một xã hội tốt đẹp hơn. Ngoài ra xây dựng gia đình văn hóa cũng là việc làm giúp phát triển truyền thống của gia đình, gìn giữ bản sắc của các làng xóm.
Bà Hường chia sẻ, nhiều gia đình muốn con phải đủ lễ nghĩa, ngoan ngoãn trước khi làm người thành đạt. Có nghĩa là cần có quy tắc trong gia đình để cư xử với nhau đúng mực, có trách nhiệm với bản thân và người khác.
Ngược lại, nhiều người cho rằng, con trẻ chỉ cần tập trung vào học tập kiến thức. Còn những lễ nghi, nền nếp không cần ép theo khuôn khổ. Họ nghĩ rằng, trẻ ở nhiều quốc gia được sống tự do phát triển mới có óc sáng tạo, chứ không phải cứ khoanh tay gọi dạ bảo vâng mới là con ngoan trò giỏi.
“Mỗi gia đình đều có những nền nếp, cách sống riêng. Tuy nhiên, có khá nhiều gia đình quá khắt khe như “trẻ em không được ý kiến” và luôn áp đặt mệnh lệnh cũng như không tôn trọng cảm xúc của trẻ. Cũng có những gia đình lại quá lỏng lẻo khiến trẻ “nhờn” … Vì thế, khó để có một lời giải nào để trả lời rằng cần dạy con học giỏi thay vì tạo dựng một nề nếp hay ngược lại. Nhưng mọi thành viên trong nhà cần ý thức để xây dựng một gia đình văn hóa, trong đó có học tập lễ nghĩa và cả những thành tích trong học tập”, bà Hường nói.
Thay đổi của xã hội kéo theo thay đổi gia đình
Gia đình văn hóa đã trở nên quen thuộc với mỗi cá nhân hiện nay. Vì vậy, cần phải xây dựng nó để có một cộng đồng văn hóa, xã hội văn hóa.
Bởi đối với cá nhân, gia đình là tổ ấm nuôi dưỡng, giáo dục mỗi con người. Gia đình góp phần rất quan trọng hình thành nên những con người phát triển đầy đủ, sống có văn hóa, đạo đức. Nơi đây còn đem lại hạnh phúc và sự phát triển bền vững.
Còn đối với xã hội, gia đình là tế bào của xã hội. Gia đình có hạnh phúc, bình yên thì xã hội mới ổn định. Góp phần xây dựng xã hội văn minh, hạnh phúc.
Ông Nguyễn Văn Cường, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu xã hội và môi trường Hà Nội cho biết, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều gia đình còn bộc lộ hạn chế cần được khắc phục. Đó là mặt trái của cơ chế thị trường đã và đang tác động tiêu cực đến đạo đức, nhiều tệ nạn xã hội “tấn công” vào các gia đình.
Điều này ảnh hưởng lớn đến lối sống, hình thành nhân cách của con người và các mối quan hệ trong gia đình. Trong đó, quan hệ vợ chồng, anh em, họ hàng, làng xóm bị phai mờ, giá trị tinh thần bị xem nhẹ.
Những thay đổi của xã hội đã kéo theo sự thay đổi của gia đình, khiến cho các quan hệ trở nên lỏng lẻo. Nhiều gia đình có điều kiện, cha mẹ mải lo làm ăn, công tác, không có thời gian quan tâm giáo dục con cái dẫn đến con cái hư hỏng, sa vào tệ nạn xã hội. Cùng với đó là xao nhãng học hành, thành tích đi xuống.
Ngoài ra, tình trạng ly hôn, ly thân ngày càng gia tăng kéo theo những hệ lụy không nhỏ đối với từng gia đình và toàn xã hội. Từ đó, trẻ em hư hỏng, tiếp thu văn hóa phẩm tiêu cực, bỏ học lang thang kiếm sống, vi phạm pháp luật…
Bạo lực gia đình có xu hướng tăng do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em. Một trong những nguyên nhân đó là do sự tác động của mặt trái xu thế toàn cầu hoá, nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình chưa đầy đủ. Vì thế mà những giá trị của gia đình truyền thống chưa thật sự được quan tâm.
“Xây dựng gia đình văn hóa là ý thức, trách nhiệm của tất cả mọi người trong xã hội. Từ đó mới có môi trường cho thế hệ sau phát huy, sáng tạo, say mê trong học tập và nghiên cứu để có một tương lai tươi sáng” – ông Cường nhấn mạnh