Cho trẻ làm quen với Tiếng Anh có một vị trí vô cùng quan trọng, nhất là việc làm thế nào khơi dậy niềm hứng khởi, đam mê của trẻ với Tiếng Anh. 6 nguyên tắc sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh và thầy cô cho trẻ làm quen với Tiếng Anh một cách hiệu quả hơn.
- Chơi hơn dạy.
Chính xác phải nói đây là phương pháp “Dạy mà không dạy”, trong đó, giáo viên lên lớp không theo một giáo trình nhất định nào cả và tư tưởng chủ đạo không phải là dạy mà là tạo sân chơi đa dạng, nhiều màu sắc bằng tiếng Anh cho học sinh. Từ đó, hướng dẫn học sinh tự làm chủ sân chơi và từng bước tự bổ sung các hoạt động khác nhau.
2. Hoạt động, hình ảnh hơn lý thuyết.
Hình ảnh, trò chơi, nhạc họa, diễn kịch... nói chung là các hoạt động nhằm giúp các em tham gia vào môi trường sử dụng tiếng Anh một cách tự nhiên, không gượng ép.Các hoạt động đa dạng sẽ giúp học sinh từng bước hình thành phong cách riêng trong học tập. Phong cách riêng chính là nền tảng của chất lượng và hiệu quả học tập
3. Học cụ hơn giáo trình.
Việc bám theo một giáo trình nào đó sẽ hạn chế năng lực sáng tạo của cả thầy lẫn trò. Hơn nữa, để có thể đa dạng hóa các hoạt động trong lớp, việc tăng cường học cụ là điều cần thiết.
Cần chú ý những học cụ (kể cả bài hát, trò chơi, diễn kịch...) bình thường dễ kiếm để làm tăng hoạt động của học sinh, nhất là cần khuyến khích học sinh tìm kiếm thêm các học cụ làm phong phú hóa quá trình học tập, khuyến khích các em nghe nói, giao tiếp Tiếng Anh nhiều.
Việc sử dụng các loại thiết bị công nghệ cao như máy nghe nhạc, điện thoại, truyền hình hay máy tính và các phần mềm kèm theo sẽ giúp đẩy nhanh việc nắm bắt ngôn ngữ nhưng không phải là cái duy nhất làm tăng hiệu quả sử dụng.
4. Nói nhiều hơn nghe-viết.
Thực tế cho thấy kỹ năng nói dễ học và bắt chước nhất trong học ngoại ngữ. Và khi nói được, học sinh đã từng bước xây dựng được tâm lý tự tin trong sử dụng tiếng Anh. Đây vốn là điểm yếu cơ bản trong giao tiếp Tiếng Anh đối với nhiều thế hệ đi trước.
Ngoài ra, do tập trung nhiều vào kỹ năng nói, học sinh cũng cần phải phát âm chuẩn. Điều này phụ thuộc rất lớn vào giáo viên, giáo viên phát âm chuẩn dễ giúp học sinh phát âm chuẩn. Qua đó các em cũng phát âm Tiếng Anh chuẩn hơn.
Một cách hạn chế việc phát âm không chuẩn là tăng cường các chương trình hướng dẫn phát âm qua băng đĩa, tivi, nghe nhạc...
5. Bắt chước hơn ngữ pháp.
Bắt chước là không thể thiếu được đối với thiếu nhi, đặc biệt trong học ngoại ngữ. Bắt chước giúp quá trình học tập đi nhanh hơn, trong đó kể cả việc sử dụng các mẫu câu căn bản.
Ngữ pháp được hình thành từng bước trong quá trình học nhưng tránh không để ngữ pháp là trở ngại trong bắt chước. Tuy nhiên, bắt chước gồm cả xấu lẫn tốt. Việc xác định tốt hay xấu là do giáo viên và phụ huynh chủ động hướng dẫn để học sinh tự xác định và hành động phù hợp. Việc bắt chước sẽ giúp rất nhiều trong việc phát triển kỹ năng phát âm của các em, các em sẽ có thể phát âm Tiếng Anh với mức độ chuẩn gần với người bản xứ.
6. Vui hơn cho điểm.
Thông thường, ở nước ta sau mỗi buổi học không riêng gì ngoại ngữ, phụ huynh thường hỏi là “hôm nay được bao nhiêu điểm” hơn là “hôm nay học có vui không, có gì mới không” như trong các hệ thống giáo dục khác. Chính vì tư tưởng này, học sinh phải chú ý lấy được điểm cao và vui chơi lại là thứ yếu. Từ đó, qua từng bậc học hình thành thói quen học vì điểm và bằng mọi cách phải có điểm số cao.
Điểm số cũng cần vì đó cũng là cách động viên học sinh nhưng động viên thì có nhiều cách khác nữa. Phải thay đổi để làm cho lớp học sinh động, học sinh có vui mới hình thành động cơ học tập tốt, có động cơ tốt mới nỗ lực đạt kết quả.
Ở nước ta, vẫn chưa có chuyên ngành dạy tiếng Anh thiếu nhi như ở nhiều nước khác. Sắp tới, cần chú ý xây dựng những lớp bồi dưỡng chuyên đề về dạy tiếng Anh thiếu nhi để không những nâng cao hiệu quả sử dụng tiếng mà còn rút ngắn khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới cả về phương pháp, kỹ năng và tạo nền tảng, thói quen cho học tập suốt đời trong lĩnh vực dạy và học tiếng Anh.
-
Sưu tầm-