Thực phẩm hữu cơ giàu dinh dưỡng hơn?
Trong nhiều diễn đàn thảo luận về thực phẩm, sản phẩm hữu cơ luôn được đề cao bởi tính an toàn cũng như độ thơm ngon. Thậm chí, không chỉ rau, mà các loại hoa quả được dán nhãn nhập khẩu từ nước ngoài về, nếu có các mã số thể hiện loại quả hay rau đó được trồng theo phương pháp hữu cơ có thể giá bán đắt gấp chục lần so với các sản phẩm cùng loại với mã số thể hiện phương pháp truyền thống.
TS Trần Ngọc Hùng, Viện Nghiên cứu Rau quả cho hay, quá trình canh tác hữu cơ là dùng các sản phẩm hữu cơ khác để chăm bón cho một sản phẩm hữu cơ nào đó. Cũng do dùng sản phẩm hữu cơ nên hàm lượng vi chất, chất đạm cũng vì thế cao hơn. Kèm theo không dùng thuốc kích thích tăng trưởng nên thời gian trồng kéo dài hơn. Đây cũng là thời gian tích lũy các chất dinh dưỡng, vì thế có thể nói rằng dinh dưỡng trong sản phẩm hữu cơ cũng cao hơn các loại tương tự.
Tuy vậy theo chuyên gia, nếu nói rau hữu cơ ăn ngon hơn thì chưa chắc nhưng chắc chắn sẽ có hương vị khác biệt so với rau sản xuất theo phương pháp thông thường. Thực phẩm hữu cơ sau khi chế biến luôn có hương vị đặc trưng tự nhiên của mỗi loài rau. Ví dụ rau cải hữu cơ có vị hăng hơn, thậm chí đắng hơn rau cải thường và nhiều người chê không ngon. Cải bó xôi nồng hơn có khách hàng đã phải mang cả nồi canh đến để… xác minh. Nhưng còn cải bắp, su hào ngọt và đậm đà hơn nên luôn được khen ngợi.
So với các phương thức canh tác khác rau hữu cơ thường được xem là an toàn hơn. Điều này rất dễ hiểu do quy trình đặt ra cho sản phẩm an toàn là cần được kiểm soát từ đất sạch, không dùng các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật hay chất kích thích nước tưới hoàn toàn sạch. Nhưng ở góc độ nào đó, sản phẩm này không phải là tuyệt đối, thậm chí có thể vẫn có tỉ lệ vi khuẩn E.coli hay Nitrat cao.
TS Trần Ngọc Hùng lấy dẫn chứng với rau, do dùng sản phẩm hữu cơ, cụ thể là đạm hữu cơ để bón cho cây nhưng cây không phải khi nào cũng hấp thụ hết lượng đạm đó. Vì thế dẫn đến tình trạng dư thừa đạm, dẫn đến hàm lượng nitrat trong sản phẩm hữu cơ có thể còn cao. Khi ăn rau có nitrat cao, nguy cơ gây ra ung thư đường ruột cũng lớn.
Các rau ăn lá hữu cơ nếu chưa đến lứa hái đặc biệt là rau muống, mồng tơi, lang thì nguy cơ rau có tồn dư nitrat là rất cao do chưa đảm bảo đủ thời gian cách ly sau mỗi lần bổ sung dinh dưỡng khi kết thúc mỗi lứa thu hoạch.
Ngày nay, thực phẩm hữu cơ có mặt ở hầu khắp các quốc gia, từ nước có nền nông nghiệp lạc hậu đến những nước có nền nông nghiệp phát triển. Các nghiên cứu khẳng định không có các thông tin bằng chứng đầy đủ của y khoa về những tuyên bố thực phẩm hữu cơ là an toàn hơn hay khỏe mạnh hơn so với thực phẩm từ nuôi trồng thông thường
Cần hài hòa giữa hữu cơ và vô cơ
Theo một chuyên gia về sinh học, nông nghiệp có một xu hướng tiêu dùng hiểu sai lệch về thực phẩm hữu cơ và thực phẩm thông thường. Người ta đề cao thái quá tác dụng của thực phẩm hữu cơ mà không biết rằng loại thực phẩm nào cũng có ưu và nhược điểm.
Bởi vậy chuyên gia từng khuyên rằng, thực phẩm nói chung được nuôi trồng theo đúng quy trình, đảm bảo thời gian cách ly là an toàn. Việc nhiều người lo lắng thái quá chuyển hẳn sang sử dụng thực phẩm hữu cơ là không nên. Chọn rau quả an toàn là loại có chứa các chất NO3, kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen, đồng, kẽm... không được vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Có một số loại rau ăn quả như đậu đũa, dưa chuột, cà chua… thường phải thu hoạch nhiều lần. Khi phun thuốc để phòng sâu bệnh cho quả non thì lại gây nhiễm cho quả già bên cạnh đã đến ngày thu hoạch. Do đó, việc tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc hóa học trừ sâu bệnh có vai trò rất quan trọng trong sản xuất rau an toàn.
Nguyên nhân nữa làm rau không an toàn là do người sản xuất dùng phân hữu cơ, nhất là phân bắc chưa hoai mục để bón rau hoặc dùng nước thải để tưới khiến rau rất xanh tốt nhưng bị nhiễm các loại vi sinh vật gây bệnh như: Vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy, kiết lỵ, thương hàn... và các loại ký sinh trùng như trứng giun, sán… Điều này nguy hiểm trên các loại rau ăn sống (xà lách, rau thơm...).
Theo các chuyên gia, có một thực tế là những loại thực phẩm hoàn toàn tự nhiên rất tốt cho sức khỏe, nhưng nền nông nghiệp hiện đại không thể phát triển hài hòa nếu chỉ chú trọng thực phẩm hữu cơ. Bởi ngoài vấn đề chất lượng thì năng suất cũng là một điều phải lưu tâm. Thế giới trải qua hàng nghìn lần cải cách với hàng nghìn phát minh để nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm thiểu sâu bệnh. Nếu chỉ làm nông nghiệp hữu cơ, sẽ không đủ lương thực cung cấp cho con người, sâu bệnh cũng sẽ phát triển nhiều hơn.
Do đó, thực phẩm hữu cơ phải được kết hợp với thực phẩm vô cơ mới tạo ra sự hài hòa. Người sử dụng thực phẩm cũng vậy. Thực phẩm hữu cơ rất tốt cho sức khỏe vì không có hóa chất, nhưng thực phẩm vô cơ cũng cần thiết để tạo ra sức đề kháng cho cơ thể.
Hiện nay hiểu biết về thực phẩm hữu cơ của nhiều người còn hạn chế. Có rất nhiều quảng cáo cũng như phổ biến cho công chúng rằng thực phẩm hữu cơ là an toàn hơn, dinh dưỡng hơn, và hương vị tốt hơn so với thực phẩm thông thường.
Thực phẩm hữu cơ là an toàn, sạch, nhưng có nhiều dinh dưỡng và hương vị có ngon hơn thực phẩm vô cơ không thì chưa có công trình khoa học nào khẳng định được. Trong khi đó, giá thành thực phẩm hữu cơ thường cao hơn rất nhiều. Người tiêu dùng nên nhân thức đầy đủ rằng thực phẩm trước tiên phải sạch và an toàn, không nên có tâm lý chỉ sản phẩm hữu cơ mới sạch và an toàn.