.
Các kỹ năng xã hội hoàn toàn có thể được dạy cho trẻ. Cha mẹ hãy dạy con các kỹ năng này ngay từ hôm nay nhé!
1. CHIA SẺ
Sẵn sàng chia sẻ một bữa ăn nhẹ hoặc chia sẻ một món đồ chơi sẽ giúp trẻ dễ dàng kết bạn và giữ bạn bè được lâu hơn . Theo một nghiên cứu năm 2010 được công bố trên Khoa học Tâm lý, trẻ em từ hai tuổi có thể thể hiện mong muốn chia sẻ với người khác nhưng thường chỉ khi trẻ có trong tay nhiều thứ đó. Trẻ em trong độ tuổi từ ba đến sáu thường ích kỷ khi chia sẻ bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, trẻ lại có thể dễ dàng chia sẻ một món đồ chơi mà trẻ không còn thích chơi nữa. Khoảng bảy đến tám tuổi, hầu hết trẻ em trở nên quan tâm hơn về sự công bằng và sẵn sàng chia sẻ hơn. Nhìn chung, các nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có cảm xúc tích cực về bản thân có nhiều khả năng chia sẻ với những người khác. Vì vậy, dạy trẻ chia sẻ có thể là chìa khóa để nâng cao lòng tự trọng của chúng.
Cha mẹ cần có thói quen chỉ ra sự chia sẻ cho trẻ thấy trong cuộc sống hàng ngày. Việc thường xuyên khen ngợi con bạn khi trẻ chia sẻ là một điều vô cùng cần thiết. Bạn có thể nói với con bạn rằng: ” Khi con chia sẻ một điều gì với ai đó. Mẹ tin là họ sẽ cảm thấy rất hạnh phúc vì điều đó. Đó là một điều tốt đẹp rất đáng để làm.”
2. HỢP TÁC
Kỹ năng hợp tác là điều cần thiết để dễ dàng hòa nhập trong cộng đồng. Con bạn sẽ cần hợp tác với các bạn cùng lớp trên sân chơi cũng như trong lớp học. Hợp tác là chìa khóa trong các mối quan hệ . Đối với trẻ em, sự hợp tác có thể đến từ việc cùng các bạn xây dựng một tháp đồ chơi cho đến việc chơi một trò chơi đòi hỏi những người khác cùng tham gia. Hợp tác là một cơ hội tuyệt vời để trẻ tìm hiểu thêm về bản thân.
Nói với trẻ về tầm quan trọng của tinh thần đồng đội, giải thích cho trẻ hiểu rằng công việc sẽ trở nên tốt hơn như thế nào khi mọi người cùng tham gia với nhau. Cha mẹ hãy tạo cơ hội cho cả gia đình cùng làm việc và luôn nhấn mạnh thường xuyên tầm quan trọng của sự hợp tác.
Ảnh minh họa.
3. LẮNG NGHE
Lắng nghe không chỉ là giữ im lặng mà nó còn là sự tiếp thu thực sự những gì người khác đang nói. Lắng nghe là một phần rất quan trọng trong giao tiếp. Phần lớn việc học ở trường cũng phụ thuộc vào khả năng lắng nghe của trẻ về những gì giáo viên đang nói.
Khi bạn đọc một cuốn sách cho con, thỉnh thoảng dừng lại và yêu cầu con kể lại về những gì bạn đang đọc. Bạn có thể hỏi con rằng: ” Con hãy cho mẹ biết những gì con nhớ về câu chuyện này từ đầu đến giờ?”. Bạn có thể nói giúp con những điều mà con còn thiếu và khuyến khích con tiếp tục lắng nghe khi bạn tiếp tục đọc. Ngoài ra, cha mẹ hãy dạy con không được ngắt lời người khác khi họ đang nói chuyện.
4. THỰC HIỆN THEO CÁC YÊU CẦU
Trước khi mong đợi con bạn làm tốt theo các yêu cầu mà bạn đề ra thì bạn cần phải biết đưa ra các yêu cầu một cách phù hợp. Cụ thể là không đưa cho trẻ nhiều hơn một yêu cầu mỗi lần. Thay vì yêu cầu một chuỗi các hành động như: “Nhặt giày của con lên, cất sách của con và đi rửa tay” thì hãy đợi đến khi con bạn nhặt được đôi giày trước khi ra các yêu cầu tiếp theo.
Một sai lầm khác cần tránh là không đưa ra cho con các yêu cầu dưới dạng câu hỏi mà câu trả lời là “có” hoặc “không”. Ví dụ: Bạn không nên hỏi: “Con có vui lòng nhặt đồ chơi của mình lên không?”. Khi đưa ra lời đề nghị thông qua những câu hỏi như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng trẻ có thể tùy chọn để nói không. Một khi bạn đã đưa ra yêu cầu, hãy để trẻ suy nghĩ về việc trẻ sẽ phải làm gì ngay bây giờ?
Việc trẻ nhỏ bị phân tâm, cư xử bốc đồng hoặc quên đi những gì chúng phải làm là điều bình thường. Hãy xem mỗi sai lầm mà trẻ mắc phải là cơ hội để giúp chúng tự mài giũa kỹ năng của mình.
Hãy khen ngợi trẻ vì đã ngay lập tức làm theo yêu cầu của bạn bằng những điều như: “Cảm ơn con vì đã tắt TV ngay lần đầu tiên mẹ nói với con”. Nếu con của bạn “đấu tranh” để làm theo lời bạn nói, hãy kiên trì nhắc lại yêu cầu và cho con cơ hội để thực hành các việc đơn giản.
5. TÔN TRỌNG KHÔNG GIAN CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI KHÁC
Dạy trẻ cách tôn trọng không gian cá nhân của người khác là một điều rất quan trọng. Cha mẹ cần tạo các quy tắc trong gia đình để trẻ không xâm phạm vào quyền riêng tư của các thành viên khác. Ví dụ: trước khi vào phòng của ai đó, trẻ cần gõ cửa trên những cánh cửa được đóng kín, nếu muốn động vào đồ vào của ai đó thì cần phải hỏi ý kiến xin phép trước….
Dạy con bạn đứng cách xa với mọi người một khoảng thích hợp khi nói chuyện. Trong trường hợp trẻ phải xếp hàng, hãy nói với trẻ về việc cần có khoảng cách với người trước mặt và không được tự do động vào người khác Bạn có thể nhập vai theo nhiều tình huống khác nhau để giúp con thực hành các việc trẻ được phép làm trong không gian cá nhân phù hợp.
6. GIAO TIẾP BẰNG MẮT
Giao tiếp bằng mắt là một phần quan trọng trong việc giao tiếp. Thực tế, có một số trẻ gặp khó khăn trong việc nhìn vào mắt người khác khi chúng nói chuyện. Do vậy, hãy giải thích cho con bạn hiểu tầm quan trọng của việc giao tiếp bằng mắt.
Hãy thử đặt con vào hai tình huống đối lập nhau. Đầu tiên, bảo con kể một câu chuyện trong khi bạn nhìn chằm chằm xuống đất, nhắm mắt lại hoặc nhìn mọi nơi trừ con của bạn. Sau đó, bạn bảo con kể một câu chuyện khác và giao tiếp bằng mắt trong khi con đang kể chuyện. Cuối cùng, thảo luận về cảm giác của con trong từng tình huống. Hãy luôn nhớ khen ngợi khi con bạn nhớ nhìn ai đó khi chúng nói chuyện.
Ảnh minh họa.
7. CƯ XỬ ĐÚNG PHÉP TẮC
Hãy dạy trẻ cách nói “cảm ơn” và “xin lỗi” cùng với những quy tắc, hành vi đúng mực khi ở nhà cũng như ở nơi công cộng. Tất nhiên, đôi khi dạy trẻ những điều này, cha mẹ sẽ gặp không ít các khó khăn. Trẻ có thể làm ầm ĩ ngay trên bàn ăn khi chúng ta chấn chỉnh những hành động “chưa có duyên” của trẻ… Tuy nhiên, điều quan trọng là trẻ phải được dạy để biết các phép tắc lịch sự tối thiểu.
Cha mẹ hãy là những hình mẫu tốt để con noi theo nhờ cách cư xử chuẩn mực. Điều đó có nghĩa là chúng ta hãy nói “cảm ơn”, “làm ơn” ….. một cách thường xuyên khi bạn tương tác với người khác để trẻ có thể học theo. Bạn cũng đừng quên đưa ra lời nhắc nhở khi con bạn quên các quy tắc, ứng xử.
Kỹ năng xã hội không phải là thứ mà con bạn có hoặc không có. Đó là một tập hợp các kỹ năng cần được học hỏi và rèn luyện liên tục trong quá trình con trưởng thành. Hãy bắt đầu dạy trẻ các kỹ năng xã hội cơ bản nhất và tiếp tục rèn luyện các kỹ năng này của con theo thời gian.