Để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi kết hợp với diệt muỗi và phòng tránh muỗi chích.
Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết
Khi thực hiện các biện pháp loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết cần đảm bảo các nguyên tắc chung:
- Đối với các vật chứa nước có mục đích đế phục vụ cho sinh hoạt của người dân: đậy kín thùng, lu, chậu, hồ, ... trữ nước khi không sử dụng; thay nước và súc rửa thường xuyên (bình bông, dĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng, chậu nước gia cầm, ...) hoặc thả cá bảy màu ăn lăng quăng (hòn non bộ, cây thủy sinh, ...).
- Đối với các vật chứa nước không có mục đích sinh hoạt: thu gom và loại bỏ ngay, hoặc nếu chưa có điều kiện loại bỏ thì phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước và phải loại bỏ ngay trong vòng 01 tuần.
Diệt muỗi và phòng tránh muỗi chích
Bên cạnh việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, người dân cần tích cự diệt muỗi và phòng tránh muỗi chích để phòng bệnh sốt xuất huyết bằng cách:
- Thường xuyên ngủ mùng kể cả ban ngày.
- Sử dụng lưới chắn muỗi hoặc rèm tẩm hóa chất diệt muỗi ở cửa ra vào, cửa sổ.
- Sử dụng hương xua muỗi, bình xịt xua, diệt muỗi cầm tay, vợt điện, …
- Bôi hoặc xịt trên da sản phẩm chống muỗi chứa các hoạt chất được chứng nhận đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Triệu chứng điển hình của bệnh sốt xuất huyết: Sốt cao đột ngột, liên tục, khó hạ sốt.
Các triệu chứng khác: Nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp, đau hố mắt, ...
Đến ngay cơ sở y tế khi có 6 dấu hiệu nguy hiểm sau đây:
- Lừ đừ, bứt rứt, bồn chồn;
- Ðau bụng;
- Có biểu hiện chảy máu: Chảy máu chân răng, mũi, ói máu, đi cầu phân đen, có kinh bất thường ở nữ;
- Khó thở, thở nhanh;
- Nôn ói nhiều;
- Trẻ có biểu hiện bỏ ăn, bỏ bú, mệt mỏi dù hết sốt.