1. Trẻ bị ho, đặc biệt là ho có đờm do cảm lạnh nhiều lần trong năm, nguyên dân do đâu?
Lâu nay, nhiều bậc phụ huynh quan niệm cơn cảm lạnh chỉ đến vào mùa đông. Thực tế, ngay cả 3 mùa còn lại trong năm con yêu của bạn vẫn có khả năng gặp phải tình trạng này. Bởi những cơn cảm lạnh được gây ra bởi virus, chủ yếu là Rhinovirus, không phải do thời tiết, nên chúng có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm.
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn - Trưởng khoa Hô hấp - Bệnh viện Nhi đồng 1, ước tính trẻ dưới 5 tuổi khỏe mạnh một năm có thể bị cảm lạnh 5-8 lần. Trẻ có thể bị cảm lạnh nhiều đợt trong năm do rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, quan trọng nhất là do sức đề kháng, khả năng thích nghi, đáp ứng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh bên ngoài rất kém.
Chẳng hạn như với riêng Rhinovirus đã có đến hơn 100 chủng khác nhau, vì vậy sức đề kháng của trẻ không thể cùng một lúc chống lại chúng. Qua mỗi lần nhiễm một chủng virus sẽ tạo ra một loại kháng thể và tích lũy dần theo thời gian, đến lúc nào đó trẻ đủ sức để chống lại các loại virus cơ bản. Đó là lý do vì sao nhiều bậc phụ huynh thấy rằng, khi con qua ngưỡng 5 tuổi sẽ dần bớt bệnh hơn.
Cảm lạnh chủ yếu do Rhinovirus gây nên.
(Ảnh minh họa)
“Trong tình hình dịch bệnh, người ta ghi nhận tỷ lệ trẻ em mắc COVID-19 rất ít, nếu mắc cũng chỉ ở mức độ nhẹ, không có trường hợp nặng và hiếm khi tử vong. Một trong những lý do để giải thích cho vấn đề này có lẽ là do hệ thống miễn dịch của trẻ được tích lũy dần qua các lần nhiễm lạnh tạo cho trẻ các đáp ứng miễn dịch dù không đặc hiệu chống các loại virus nhưng cũng có tác dụng phần nào chống virus SARS-CoV-2” - TS. BS Trần Anh Tuấn đưa ra một dẫn chứng rất đáng lưu ý.
Nguyên nhân thứ hai là do điều kiện môi trường sống. Nhà cửa chật chội, đông người cùng với sự ô nhiễm, khói bụi, thay đổi thời tiết nắng mưa thất thường cơ thể không kịp đáp ứng và ngay cả khói thuốc lá thụ động cũng khiến trẻ dễ bị cảm lạnh. Thậm chí các thói quen sinh hoạt của người lớn như sử dụng quạt, máy lạnh để giải nhiệt không hợp lý cũng là lý do đưa đến cơn cảm lạnh ở trẻ.
Cuối cùng, một nguyên nhân khác quan trọng không kém đó là những trẻ bị suy dinh dưỡng, không được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, mắc các bệnh mạn tính, bệnh bẩm sinh có khả năng đề kháng kém hơn nên dễ đưa đến nhiễm lạnh.
Theo TS.BS Trần Anh Tuấn, trong quá trình chăm sóc con trẻ, một vấn đề mà các bậc phụ huynh thường đối diện nhiều nhất là nhầm lẫn giữa cảm lạnh và cảm cúm. Đây là hai bệnh lý hoàn toàn khác nhau.
“Khi trẻ bị cảm lạnh, ngoài ho sẽ kèm theo tình trạng chảy nước mũi, sổ mũi, nghẹt mũi. Khi đó sức khỏe của trẻ nhìn chung vẫn tốt, ăn - chơi - bú được chứ không bị ảnh hưởng nhiều giống như cảm cúm. Trẻ cũng có khả năng bị sốt nhẹ, song điều này rất hiếm gặp. Vì vậy, nếu trẻ bị sốt cao, chúng ta cần chú ý vì trẻ có thể mắc các bệnh khác” - TS.BS Trần Anh Tuấn cảnh báo.
2. Những điều cần lưu ý khi chăm trẻ bị ho do cảm lạnh tại nhà
Cảm lạnh thông thường do nguyên nhân Rhinovirus nếu được chăm sóc tốt thì các triệu chứng sẽ giảm dần và hết hẳn trong khoảng 10 - 14 ngày. Đa phần trẻ đã khỏi bệnh trong khoảng 7 ngày. Vì vậy, việc chăm sóc trẻ đúng cách là rất quan trọng.
TS. BS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh, khi trẻ bị cảm lạnh các bậc phụ huynh nên cho con ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng mới có đủ sức đề kháng để chống lại bệnh tật, không nên kiêng khem dù cho trẻ ho nhiều. Ngoài ra, cần lưu ý cho trẻ uống nhiều nước, điều này giúp đường thở có đủ độ ẩm, tăng sức đề kháng ở đường thở, dịu ho. Nước cũng sẽ giúp đờm loãng và long ra dễ dàng hơn.
Đặc biệt ở trẻ nhỏ dưới 6 tuổi, cảm lạnh sẽ khiến con khó chịu hơn bởi tình trạng sổ mũi, nghẹt mũi. Vì vậy, bố mẹ, những người chăm sóc trẻ cần làm sạch, thông thoáng mũi, như vậy sẽ giúp con dễ thở hơn, ăn uống, ngủ nghỉ được thoải mái hơn.
Khi trẻ bị ho đờm, cảm lạnh nên ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không nên kiêng khem trừ khi trẻ bị dị ứng với thực phẩm đó.
(Ảnh minh họa)
“Cảm lạnh là nhiễm trùng hô hấp do virus, vì vậy hiện tại trên thế giới không có loại thuốc nào có thể rút ngắn thời gian hồi phục. Thường, chúng ta chỉ sử dụng các loại thuốc giúp giảm các triệu chứng, làm cho trẻ cảm thấy dễ chịu hơn.
Chẳng hạn như đối với ho - một triệu chứng rất phổ biến khi trẻ bị cảm lạnh, các bậc phụ huynh có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc nguồn gốc từ thảo dược, an toàn, được chứng minh bằng các nghiên cứu trong và ngoài nước, phù hợp với độ tuổi. Đây là khuyến cáo chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế Việt Nam” - TS. BS Trần Anh Tuấn chia sẻ.
Hiện, cảm lạnh không có thuốc đặc trị, chỉ có các loại thuốc điều trị triệu chứng.
(Ảnh minh họa)
Hiện nay, ở Việt Nam có nhiều bài thuốc đông y rất hiệu quả trong trị ho như tắc chưng đường; lá, hoa hồng bạch; khế có thể sử dụng an toàn cho trẻ em dưới 5 tuổi. Đáng lưu ý, trong xu hướng hội nhập toàn cầu chúng ta cũng tiếp cận có chọn lọc với truyền thống y học phương Tây, điển hình như việc sử dụng các loại sản phẩm có công dụng trị ho nguồn gốc thiên nhiên từ lá thường xuân. Đây là loại thảo dược của các nước phương Tây đã chứng minh chức năng trị ho hiệu quả, an toàn khi dùng cho trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi.
Theo TS. BS Trần Anh Tuấn, hiện nay có nhiều công ty dược Việt Nam đã nhập loại lá thường xuân và sản xuất ra nhiều chế phẩm khác nhau để sử dụng như một loại thuốc ho cho trẻ em. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần chọn lọc các loại thuốc ho được sản xuất từ những công ty có bề dày kinh nghiệm và có uy tín trên thị trường, đảm bảo chất lượng thuốc. Đồng thời, khi lựa chọn cũng cần lưu ý sản phẩm phải được Bộ Y tế chứng nhận về hiệu quả, tính an toàn và giá cả cũng phải phù hợp với thu nhập của người Việt Nam.