Có rất nhiều bạn nhỏ chọn cách im lặng khi gặp một vấn đề, cũng có thể không dám nói cho bố mẹ biết để tìm hướng giải quyết hợp lý nên bố mẹ sẽ không hiểu được con mình có đang chịu những tổn thương về tinh thần hay thể chất gì không? Do vậy, bố mẹ sẽ không thể biết được con mình đang thực sự gặp phải vấn đề gì và thiếu hụt những kỹ năng sống trẻ em gì.
Nếu bố mẹ muốn biết những suy nghĩ của con khi gặp những vấn đề xảy ra với con mà không phải thúc ép con nói thì hãy dạy con cách chủ động tự nói lên suy nghĩ của mình cho bố mẹ được biết. Hiện nay, có khá nhiều bậc phụ huynh than phiền rằng: “Chúng tôi thấy rất khó khăn vì nhiều lúc chẳng biết bọn trẻ muốn gì”. Vậy nguyên nhân khiến trẻ gặp khó khăn trong việc nói lên tiếng nói của chính mình đó là:
Trẻ không biểu đạt được ý muốn của mình qua lời nói không chỉ xuất phát từ bản thân trẻ mà phần lớn ở bản thân người lớn.
Bằng sự quan sát và phân tích, các nhà tâm lý học đã phát hiện ra rằng vấn đề trẻ không thể biểu đạt được ý muốn của mình qua lời nói không chỉ xuất phát từ bản thân trẻ mà phần lớn ở bản thân người lớn. Trong những cuộc trò chuyện, không ít bố mẹ thường không đủ kiên nhẫn lắng nghe những lời con trẻ, họ thường gắt lên bằng những câu nói: “Nhanh lên! Con muốn nói cái gì hả? Con làm bố (mẹ) chẳng hiểu gì cả, bố (mẹ) mất kiên nhẫn với con rồi đấy”.
Cha mẹ vẫn thường như vậy, vẫn luôn yêu cầu con phải nói rõ ràng câu chuyện, nhưng đây lại là một kỹ năng sống trẻ em không thể tự nhiên hình thành. Đó là chưa nói đến những đứa trẻ vốn nhút nhát, ít tiếp xúc với bên ngoài, thì việc trình bày rõ ràng một vấn đề, hoàn toàn không phải một chuyện dễ dàng. Vì vậy, việc bố mẹ thường không kiên nhẫn lắng nghe, thêm vào đó là những lời hối thúc có phần “khó nghe” sẽ khiến cho con trẻ càng thêm khó khăn để nói ra được vấn đề của mình.
Các bậc cha mẹ nên làm gì để rèn cho con khả năng diễn đạt những mong muốn của bản thân?
Muốn con trẻ nói lên được những suy nghĩ của bản thân, người lớn hãy để trẻ cảm thấy “thích” được tâm sự và phải thoải mái về tâm lý. Bố mẹ nên lắng nghe con với thái độ chăm chú và biểu thị đồng tình, có thể chỉ là những cái gật đầu, những lời nói đệm: “Thế à”, “Ừ, con nói tiếp đi”… bằng những cử chỉ rất nhỏ này sẽ giúp con cảm thấy tự tin hơn và tin tưởng là bố mẹ đang rất lắng nghe và quan tâm đến vấn đề của mình.
Cha mẹ cũng cần lưu tâm đến đặc điểm về tâm lý lứa tuổi của trẻ. Trẻ em cùng độ tuổi, thường thì khả năng diễn đạt ở bé gái tốt hơn ở bé trai. Để cải thiện tình hình này, điểm mấu chốt là bố mẹ phải giúp con tạo dựng sự tự tin. Khi con muốn nói, hãy khuyến khích con và kiên trì lắng nghe.
Cha mẹ đừng cắt ngang lời trẻ, đừng vì sốt ruột với sự ấp úng, dài dòng trong diễn đạt của con mà vội nói thay, nói át đi. Bố mẹ nên để cho con được trình bày hết suy nghĩ, sau đó bằng cách nhắc lại một cách tế nhị, hãy uốn nắn những chỗ diễn đạt sai của con. Chẳng hạn: “Việc con muốn nói, bố (mẹ) đã hiểu rồi. Ý của con là… Con định nói là…”. Với cách thức này, trẻ dần dần tiếp thu và ghi nhớ được những cách diễn đạt đúng, trong trường hợp này phải dùng từ này, trong trường hợp kia nên nói thế kia… Ngay cả trường hợp con bạn trình bày một quan điểm lệch lạc, một ý kiến sai thì ngoài uốn nắn về tư tưởng, cha mẹ cũng không nên bỏ qua việc sửa chữa những lỗi diễn đạt của con. Đấy là cách rèn luyện kỹ năng tư duy, diễn đạt – một trong các kỹ năng sống trẻ em quan trọng, vô cùng hiệu quả.
Các bậc cha mẹ hãy luôn cổ vũ trẻ mạnh dạn đưa ra ý kiến của bản thân một cách phù hợp trong các cuộc tranh luận.
Việc phản bác ý kiến của người khác trong tranh luận cũng là yêu cầu khá phức tạp. Đối với con trẻ, điều này càng khó khăn vì nó có quan hệ tới khả năng sáng tạo và kỹ năng tư duy phản biện – một trong các kỹ năng sống trẻ em thế kỷ 21 cần phải rèn luyện. Có thể nói, mọi sự sáng tạo đều bắt đầu từ khả năng suy nghĩ độc lập và “chịu khó” phản bác ý kiến của người khác. Vì vậy, nếu trẻ muốn trình bày những ý kiến riêng của bản thân, bất luận thế nào, cha mẹ hãy tôn trọng và khuyến khích trẻ.
Cha mẹ không nên áp đặt rằng, khi trẻ không thích chơi những đồ chơi bố mẹ mua cho thì là “lắm chuyện”, khi không nhất nhất làm theo điều bố mẹ dặn thường thì là “cứng đầu, cứng cổ”… Việc bố mẹ không thừa nhận con cái cần có ý kiến riêng nghĩa là đã xâm phạm sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Hậu quả của điều này là cha mẹ có thể biến con mình thành kiểu “gió thổi chiều nào xoay chiều đó”.
Vì vậy, cho dù ý kiến của trẻ còn sai lệch thì bố mẹ vẫn nên động viên trẻ phát biểu, động viên trẻ tự chủ suy nghĩ. Bố mẹ chỉ làm nhiệm vụ điều chỉnh, sửa chữa những suy nghĩ sai của con, nhất quyết đừng “suy nghĩ hộ” con. Hãy để trẻ độc lập suy nghĩ và tự do phát biểu ý kiến của bản thân – đó là con đường đúng đắn để bồi dưỡng khả năng sáng tạo và kỹ năng sống trẻ em bảo vệ quan điểm cá nhân của trẻ.