Đặc biệt, ở giai đoạn bé 3-4 tuổi; con đạt được những cột mốc quan trọng trong sự phát triển toàn diện cả tính cách lẫn thể chất.
Sự phát triển của bé 3 tuổi
1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của bé 3 tuổi
Trong khoảng thời gian 36 đến dưới 48 tháng, chỉ số cân nặng và chiều cao của con như sau:
- Cân nặng của bé gái dao động khoảng 13,9-16,1kg. Cân nặng của bé trai có nhỉnh hơn, trong khoảng 14,3-16,3kg.
- Chiều cao bé gái khoảng 95,1-102,7cm. Chiều cao bé trai khoảng 96,1-103,3cm.
Mẹ có thể tham khảo thêm bảng chiều cao cân nặng của trẻ theo tiêu chuẩn WHO (Tổ chức y tế thế giới) để biết khi nào các chỉ số của con ở mức cần “lưu ý”. Hay nói cách khác, đó là khi cân nặng và chiều cao của bé ở mức “giới hạn dưới”. Một trường hợp hợp nữa là bé có nguy cơ thừa cân khi trọng lượng vượt mức “giới hạn trên”.
2. Các mốc phát triển thể chất quan trọng của bé 3 tuổi
Sự phát triển thể chất của bé 3 tuổi mẹ cần lưu ý đó là:
- Em bé 3 tuổi của mẹ không bao giờ chịu ngồi yên một chỗ. Đơn giản vì con không còn bị giới hạn khả năng vận động như trước.
- Bé có thể lên xuống cầu thang mỗi chân một bước không cần tay vịn.
- Biết đá, ném và bắt bóng.
- Đạp được xe 3 bánh.
- Leo trèo một cách thành thạo.
- Đứng một chân tối đa 5 giây.
- Đi tiến hoặc đi lùi một cách dễ dàng.
- Cúi xuống mà không bị ngã.
- Biết mặc và cởi quần áo; đặc biệt bé đã biết cài và mở khuy áo.
- Có thể nhìn và bắt chước vẽ đường thẳng, vòng tròn.
- Biết viết một số chữ cái in hoa.
- Biết vẽ người từ 2-4 bộ phận.
- Biết sử dụng kéo dành cho trẻ nhỏ.
- Biết lật sách.
- Xây dựng được tháp từ 4 khối trở lên.
- Có thể vặn và mở nắp đậy.
3. Bé 3 tuổi và sự phát triển ngôn ngữ
Trẻ 3 tuổi biết làm gì với sự phát triển ngôn ngữ? Mẹ hãy chú ý:
- Nếu trước đây con ít nói thì ở giai đoạn bé 3-4 tuổi, mẹ sẽ thấy con nói rất nhiều.
- Bé biết giới thiệu tên và tuổi của mình, nói được tên và tuổi của bố, mẹ.
- Nói được khoảng 250-300 từ.
- Biết gọi tên hầu hết các món đồ quen thuộc.
- Có thể trả lời những câu hỏi đơn giản.
- Nói được câu từ 5-6 từ và nói được câu hoàn chỉnh trước 4 tuổi.
- Phát âm bớt ngọng nghịu, dễ nghe hơn.
- Biết hát và kể chuyện.
- Có thể mô tả chính xác những gì trẻ nhìn thấy, ví dụ: chiếc xe hơi to màu đỏ, và dùng đúng động từ trong mỗi hoàn cảnh.
4. Bé 3 tuổi biết làm gì với sự phát triển về nhận thức
Bé 3 tuổi muốn biết mọi thứ. Đó là lý do con thường xuyên hỏi hỏi “tại sao” như: “Tại sao bầu trời có màu xanh?”, “Tại sao con chim lại có lông?”. Ngoài việc hỏi “tại sao?” mọi lúc mọi nơi, bé 3 tuổi còn biết làm gì? Trẻ biết:
- Gọi tên chính xác các màu sắc cơ bản.
- Làm theo mệnh lệnh từ 2-3 hành động.
- Nhận thức về giới tính của mình.
- Nhận thức được thời gian trong ngày như sáng, trưa, chiều, tối.
- Hiểu được khái niệm đếm và có thể đếm được những số đơn giản.
- Phân loại các vật theo hình dạng và màu sắc.
- Trả lời các câu đố phù hợp với lứa tuổi.
- Khả năng tưởng tượng phong phú, biết đóng các vai khác nhau khi chơi trò giả vờ.
- Nhớ được tình tiết câu chuyện và kể lại chính xác.
5. Tâm lý trẻ 3 tuổi: Sự phát triển về mặt cảm xúc, xã hội
Ở giai đoạn 3-4 tuổi, tâm lý trẻ 3 tuổi không chỉ trở nên độc lập hơn về mặt thể chất mà còn cả về tình cảm. Bé 3 tuổi không còn khóc nhiều hay lo sợ khi đi mẫu giáo. Tâm lý trẻ 3 tuổi thường tỏ ra rất ngang bướng, thích đòi hỏi và hay hờn dỗi, thậm chí một số trẻ 3 tuổi còn có tâm lý phản ứng như khóc lóc, lăn lộn,vật vã để đòi cho được một thứ đồ chơi gì đó…
Hầu như, ở đứa trẻ nào cũng có những phản ứng như vậy, chỉ khác nhau là ít hay nhiều. Tâm lý trẻ 3 tuổi hay ăn vạ, hờn dỗi như vậy một phần là để được người lớn đáp ứng nhu cầu của mình; hai nữa là để nhận được sự quan tâm, vỗ về từ bố mẹ hay mọi người xung quanh. Nếu như cha mẹ có cách ứng xử phù hợp; giai đoạn này sẽ nhanh chóng qua đi và đứa trẻ 3 tuổi có thể phát triển với tâm sinh lý bình thường.
Trong quá trình mở rộng vòng tròn xã hội và phát triển tâm lý trẻ 3 tuổi; bé biết hợp tác, chia sẻ với bạn bè và bắt đầu tìm kiếm những cách đơn giản để giải quyết bất đồng, mâu thuẫn.
Ngoài ra, với sự phát triển tâm lý, bé 3 tuổi còn biết:
- Thể hiện tình cảm với bạn bè, người thân bằng đủ mọi cung bậc cảm xúc vui, buồn, giận, dữ…
- Hiểu khái niệm “của tôi”, “của bạn”, “của họ”…
- Trí tưởng tượng của bé 3 tuổi phát triển quá mức. Điều đó không chỉ giúp trẻ phát huy khả năng sáng tạo trong trong học tập, chơi đùa mà còn làm trẻ hình thành những nỗi sợ hãi phi thực tế, chẳng hạn như tin rằng có một con quái vật đang ẩn nấp trong tủ quần áo.