Trẻ em học hỏi rất nhiều điều từ bố mẹ của chúng, ngay từ những bước đi đầu tiên của con, những câu nói bi bô cho đến cách con ăn uống hoặc tương tác với những người khác. Và qua mỗi cột mốc phát triển, sợi dây liên kết tình cảm - sự tin tưởng giữa cha mẹ và con cái cũng trở nên bền chặt hơn.
Đối với trẻ em, chúng biết chắc rằng khi có bố mẹ kề bên, sẽ không ai và không điều gì có thể làm hại chúng. Đáng tiếc là, không phải lúc nào bố mẹ cũng có thể nhận thức được một số hành động của họ đã vô tình làm tổn thương đến con cái, gây ra những hậu quả tiêu cực một cách thầm lặng.
Dưới đây là những thói quen rất thường thấy của các ông bố bà mẹ có thể sẽ gây tổn hại lâu dài đến con cái.
Thọc lét cho con cười
Ai mà chẳng thích nhìn thấy nụ cười thích thú trên gương mặt con mình? Thọc lét là cách dễ dàng và thông dụng nhất để làm cho đứa trẻ cười phá lên một cách sảng khoái. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu từ Đại học California, hành động thọc lét không kích hoạt cảm xúc hạnh phúc hay vui vẻ như chúng ta vẫn tưởng. Thậm chí hành động thọc lét còn được so sánh như một hình thức tra tấn tinh thần trẻ nhỏ.
Trên thực tế, khi trẻ bị thọc lét, chúng chỉ cười do bị nhột và là phản ứng mang tính phản xạ mà thôi. Người lớn hay trẻ em đều sẽ phản ứng tương tự khi bị thọc lét. Nhưng trong khi người lớn thì có thể bày tỏ thái độ thích hay không thích thì những đứa trẻ lại thường xuyên phải chịu đựng việc bị người lớn (bố mẹ hoặc người thân) đè ra thọc lét và buộc phải cười ngay cả khi chúng không hề thích (hoặc không đủ khả năng diễn đạt sự phản đối).
Bao bọc con trong môi trường quá sạch sẽ
Đồng ý, sạch sẽ là yếu tố rất cần thiết để giúp trẻ có thể phát triển khỏe mạnh. Nhưng một số bố mẹ lại bảo vệ con hơi quá lố. Họ dọn dẹp nhà cửa thường xuyên hơn và giữ cho con cái tránh xa tuyệt đối các loại bụi bẩn. Họ có thể ngăn cản con không cho nghịch đất, vọc nước... cấm con không được "chơi bẩn" mặc dù tất cả đều là những thú vui vô cùng hấp dẫn đối với trẻ nhỏ...
Kết quả là những đứa trẻ đã quen với môi trường sống "vô trùng" sẽ rất dễ bị dị ứng, khả năng miễn dịch kém hơn. Việc bị bố mẹ kiểm soát sự tò mò, khám phá cũng làm cho trẻ bí bách, không có cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên, không có cơ hội được trải nghiệm các hoạt động ngoài trời rất có lợi cho sự phát triển của trẻ...
Đút con ăn và bắt con ăn bằng hết đồ trong chén
Theo Amy Brown, phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng trẻ em tại Đại học Swansea cho biết, khi trẻ đã có thể làm chủ được việc cầm nắm, người lớn không nên và cũng không cần thiết phải xúc cho trẻ ăn nữa.
Việc trẻ ăn uống một cách thụ động có thể làm cho trẻ không biết khi nào mình ăn đã quá no hoặc quá nhiều, khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh béo phì. Trong khi đó, nếu trẻ được tự xúc ăn, chúng sẽ trau dồi dần khả năng tự giác, trẻ được ăn theo tốc độ và nhu cầu của chúng, học cách thưởng thức bữa ăn và phát triển thái độ đúng đắn đối với thức ăn.
Bên cạnh đó, việc bố mẹ thường xuyên ép con ăn hết thức ăn trong chén cũng là một thói quen tai hại. Cũng giống như người lớn chúng ta, trẻ chỉ ăn khi chúng đói, sẽ ăn nhiều hơn nếu chúng thích món ăn đó hoặc cảm thấy ngon miệng. Bố mẹ dùng đủ cách bắt con phải ăn hết tất cả mọi thứ chỉ khiến cho trẻ nảy sinh cảm giác khó chịu đối với thức ăn hoặc một món ăn nào đó. Điều này chỉ dẫn đến cuộc chiến đầy nước mắt trên bàn ăn mỗi ngày.
Bắt con phải lịch sự, phải biết chia sẻ mọi thứ
Bố mẹ thường dạy con phải lễ phép, ngoan ngoãn, phải biết chia sẻ mọi thứ với mọi người, kể cả người lạ mà chúng chỉ gặp lướt qua trong thang máy, ở siêu thị, ở sân chơi... Cách dạy con này cũng có một mặt trái của nó.
Trong một thí nghiệm xã hội, 15 trong số 17 trẻ em đã đi theo những người lạ (tình nguyện viên) có ý định bắt cóc chúng. Tất cả chỉ vì họ lịch sự, đề nghị giúp đỡ hoặc họ cho trẻ bánh kẹo. Vì vậy, trong khi dạy các hành vi tốt, điều quan trọng là bố mẹ phải dạy cho con cái sự khác biệt giữa những gì an toàn và có hại.
Ngoài ra, việc buộc con chia sẻ trái với ý muốn cũng đồng nghĩa với việc bố mẹ đang dạy con phải đặt niềm hạnh phúc của người khác lên trên bản thân chúng. Khi lớn lên, những đứa trẻ thường xuyên chịu đựng tổn thương này sẽ dễ gặp phải những vấn đề chẳng hạn như không thể nói "không", không biết giữ lập trường, thích làm hài lòng mọi người... Tất cả đều là các yếu tố khiến cuộc đời trẻ gặp rất nhiều khó khăn và trở ngại.