THIỀN TẬP CHO TRẺ, LỢI ÍCH VÀ CÁCH BẮT ĐẦU ĐƠN GIẢN NHẤT
Thiền là phương thức rèn luyện tâm trí được hằng triệu người thực hành qua hàng ngàn năm. Vài thập niên qua, các cuộc nghiên cứu khoa học cho thấy sự lợi ích của Thiền đặc biệt là thiền chánh niệm, nên những chương trình thiền tập thường xuyên được thực hành đều đặn trong trường học vì lợi ích cho học sinh.
Các nghiên cứu tại các bang khác nhau của Mỹ cho thấy những ai thực hành Thiền chánh niệm hơn hai tháng (mỗi ngày hai lần,mỗi lần khoảng 18-20 phút) là có khả năng đương đầu với các cấp độ căng thẳng khác nhau và có khả thể ngăn chặn sự cạn kiệt năng lực.“Những người thực hành Thiền chánh niệm cho thấy những sự giảm thiểu căng thẳng tâm lý, lớp học được phát triển có trật tự và lòng từ bi tự nguyện được gia tăng” Theo Richard J. Davidson, giáo sư tâm lý học và tâm thần học tại Đại học Wisconsin – Madison, ).
Những học sinh trung học thực hành thiền mỗi ngày, kết quả, số học sinh vắng mặt giảm 25 %, học sinh bỏ học giảm gần 38 %. Năm 2012, ít nhất là có 91 trường trong 13 tiểu bang tại Mỹ thực hành thiền cho học sinh.
Nhiều người nghĩ rằng trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học là độ tuổi hiếu động và không thích hợp với thiền. Nhưng thực tế không phải vậy. Trẻ có khuynh hướng sống trong những khoảnh khắc hiện tại, không lo âu về quá khứ hay bận tâm đến tương lai nên là đối tượng dễ thực hành thiền hơn người lớn. Trẻ em được thực hành thiền đúng phương pháp sẽ thu lại được nhiều lợi ích tuyệt vời. Nhiều bố mẹ đã nhận thấy con mình điềm đạm, ngoan hơn và biết chia sẻ với bố mẹ hơn sau khi tập thiền. Nhiều bé bướng bỉnh đã biết cách kiềm chế cơn nóng giận. Con học cách chấp nhận cảm xúc của mình và điều chỉnh hành vi tốt hơn. Các nghiên cứu cho thấy những lợi ích của thiền là:
-
Nâng cao khả năng tập trung. Thiền không chỉ được xây dựng trên sự tập trung, mà còn là một trong những cách tốt nhất để phát triển sự tập trung. Và sự tập trung phát triển trong thiền, bởi nó là sự tập trung thuần túy chứ không chỉ là khả năng chú tâm vào thứ gì đó. Chính vì vậy mà những người tập thiền sẽ dễ dàng hơn trong việc dịch chuyển tâm trí sang thứ đang cần được học hỏi hay thực hiện và tập trung vào đó cho đến khi nhiệm vụ hoàn thành.
-
Kiểm soát quá trình suy nghĩ tốt hơn. Thực hành thiền không có nghĩa là chúng ta có thể dừng mọi suy nghĩ mà là ít bị các suy nghĩ chi phối hơn. Nói cách khác, chúng ta có thể nhận ra và quan sát được suy nghĩ của mình nhưng không bị chúng điều khiển. Tương tự với những cảm xúc không mong muốn, như nỗi buồn hay cơn giận, chúng ta có thể tách biệt mình ra khỏi cảm xúc này từ khi chúng nhóm lên hoặc nhận ra những cảm xúc đang nhóm lên từ đối phương nhưng vẫn có thể làm chủ cảm xúc và hành động của mình mà không bị cảm xúc hay hành động của đối phương ảnh hướng lên bản thân, thậm chí là điều khiển mình.
-
Nâng cao hiểu biết về bản thân. Khi được hỏi về bản thân, đa phần chúng ta có thể trả lời theo một cách được thiết lập sẵn. Hiếm có ai có câu trả lời thấu đáo về chính mình. Ta là ai? Và ta có mặt ở trên đời này để làm gì? Tại sao chúng ta lại kết hôn với người này mà không phải người kia?Tại sao chúng ta lại gặp những chuyện bất hạnh thay vì được sống trong một hoàn cảnh tốt hơn? Chúng ta có xu hướng sống theo sự sắp xếp của gia đình, xã hội định sẵn mà hiếm khi nào dừng lại đặt câu hỏi cho chính những thứ liên quan đến cuộc đời mình. Phần lớn chúng ta chỉ nhận biết được những suy nghĩ có ý thức mà mù mờ về những gì đang xảy ra ở các tầng sâu hơn của vô thức. Thiền tạo ra những khoảng nghỉ trong chuỗi các hoạt động liên tục của cuộc sống và tạo ra những khoảng trống trong tâm trí để chúng ta có cơ hội hiểu về chính mình.
-
Nâng cao suy nghĩ sáng tạo. Các nghiên cứu cho thấy những chuyên gia sáng tạo và những người thành công đều có thói quen dậy sớm trong không gian tĩnh lặng, lúc này họ có thể đạt đến tầng vô thức của tâm trí, nơi mà những ý tưởng độc đáo phát sinh. Phần tâm trí ý thức càng yên lặng bao nhiêu thì chúng ta càng dễ chạm tới tầng vô thức bấy nhiêu.
-
Cải thiện trí nhớ. Phần lớn chúng ta quên là do không thể tập trung vào những gì đang diễn ra để cất lại những thông tin đó vào trí nhớ. Phần lớn hơn là do sự can thiệp của tâm trí ý thức - đặc biệt là khi chúng ta đang lo lắng hoặc bồn chồn, ví dụ như lúc làm bài kiểm tra chẳng hạn . Thiền làm lắng đọng những cảm xúc đang xuất hiện đó và cho phép chúng ta nhớ lại những điều cần thiết. Việc này được lợi từ khả năng cải thiện nhận thức mà chúng ta đã đề cập ở trên. Chúng ta không thể mong đợi sẽ có thể nhớ một cách hiệu quả nếu không thật sự để tâm đến chúng ngay từ đầu.
-
Thiền còn mang tới lợi ích cho sức khỏe. Những lợi ích này tùy vào mỗi người, nhưng có thể bao gồm giảm huyết áp, giảm nhịp tim, cùng những lợi ích khác về mặt sinh lý nhờ được thư giãn và hạ thấp mức độ căng thẳng. Các lợi ích kể trên vận hành không chỉ khi một người đang thiền, mà còn cả trong cuộc sống thường ngày. Người thiền tập sẽ ngày càng trở nên điềm tĩnh, không còn bị các cảm xúc tiêu cực và bồn chồn mệt mỏi chi phối nữa. Người hành thiền cũng sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi đối mặt với thử thách và những áp lực trong cuộc sống.
Thiền ở đâu và nên bắt đầu như thế nào?
Phương pháp thiền đơn giản, phổ biến và hiệu quả nhất đối với trẻ mẫu giáo và tiểu học là thiền đếm hơi thở, hay còn gọi là thiền quán niệm hơi thở.
Bố mẹ có thể hướng dẫn bé theo dõi hơi thở vào và hơi thở ra. Bằng cách ngồi thiền định trong vài phút, ngồi thẳng một cách thoải mái ở vị trí cân bằng. Chỗ ngồi cần yên tĩnh thoải mái. Có thể thiền ở tại nhà, trong phòng học hoặc ngoài công viên vắng lặng. Trẻ em có thể hiểu điều này bằng cách cảm nhận hơi thở của chính bé tăng lên giảm xuống. Loại thiền này khá thông dụng và dễ thực hành với trẻ khi bắt đầu tập thiền. Cha mẹ có thể thiền cùng con. Tập cho trẻ ý thức giây phút hiện tại bằng cách học hít vào thở ra. Hoặc tập thở đan điền (thở bụng; phồng xẹp: hít vào bụng phồng lên, thở ra bụng xẹp xuống). Hay đơn giản cha mẹ có thể tập cho trẻ cách tập trung nhìn ngắm một cành hoa rồi đưa mũi đến gần để ngửi mùi của hoa (đây là cách mình tập cho bạn út nhà mình. Hoặc cùng con thong dong trong chánh niệm (mindfulness walking) tại công viên gần nhà, lắng nghe tiếng chim hót, gió thổi lá cây xào xạc... Trẻ sẽ dần hình thành thói quen thiền trong cuộc sống thường ngày.
“Thiền không phải là thứ chỉ có thể thực hiện khi ngồi khoanh chân trên đệm. Bạn có thể thiền khi đứng, khi nằm hoặc khi ngồi trên ghế. Trạng thái của tâm trí quan trọng hơn rất nhiều so với tư thế của thân thể, dù cho việc ngồi thẳng lưng thật sự có giá trị trong việc hỗ trợ tập trung, cái cốt lõi của thiền. Và thiền cũng không phải là thứ chỉ có thể thực hiện dưới bầu không khí yên lặng và riêng tư trong phòng riêng. Bạn có thể thiền ở mọi nơi – trên tàu, khi đang chờ xe bus trước khi tham dự cuộc họp hay cuộc phỏng vấn – trong bất kỳ thời gian rảnh nào.” (Trích sách: Thiền tập cho con, tác giả David Fontana Ingrid Slack)
Bài viết có tham khảo các trang: thienphatgiao.org, mindful.org và từ chính trải nghiệm của tác giả.