Đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 khi đưa trẻ đi tiêm phòng - Ảnh: Chương trình TCMR.
Tại sao phải tiêm vaccine nhắc lại?
Vaccine là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất của nhân loại để chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, độ bền vững của kháng thể do vaccine tạo ra phụ thuộc vào nhiều yếu tố như bản chất của vaccine, công nghệ sản xuất, khả năng đáp ứng của cơ thể...
"Trí nhớ miễn dịch" được tạo ra bởi các loại vaccine sẽ giảm dần theo thời gian. Đến một lúc nào đó, cơ thể không đủ sức chống lại sự tấn công của mầm bệnh. Nói cách khác, trẻ đã tiêm chủng vẫn có thể bị mắc bệnh nếu không được tiêm chủng nhắc lại. Do vậy, việc tiêm các mũi nhắc lại để nâng cao hiệu giá kháng thể là rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ.
Nhằm mang lại kết quả tiêm chủng tốt nhất, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia (TCMR) có lịch tiêm cụ thể đối với các vaccine có trong chương trình và triển khai liên tục tại trạm y tế xã/phường. Đây là lý do cha mẹ cần bảo quản sổ/phiếu tiêm của trẻ để tiện theo dõi cũng như ghi nhớ lịch tiêm mũi nhắc lại dễ dàng hơn.
Chương trình TCMR triển khai đến các trạm y tế xã/ phường.
Đặc biệt, trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tâm lý e ngại đến bệnh viện khiến nhiều gia đình lỡ mất lịch tiêm phòng của trẻ. Điều này có thể ảnh hưởng tới khả năng miễn dịch của trẻ trước các bệnh lây nhiễm trong mùa Hè như sởi, thủy đậu, quai bị...
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trẻ chỉ bị ảnh hưởng khi tiêm sớm hơn lịch hẹn, còn việc trẻ bị chậm lịch tiêm các mũi vaccine nhắc lại không làm giảm tác dụng của thuốc và cũng không ảnh hưởng đến sức khỏe. Lịch hẹn là thời hạn tối thiểu để trẻ có thể tiêm nhắc lại mũi tiếp theo và không có thời gian tối đa.
Trẻ cần tiêm nhắc lại những vaccine nào?
Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch.
Theo Chương trình TCMR, một số vaccine cho trẻ sau đây cần được tiêm nhắc lại:
- Vaccine 6 trong 1 (phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi/màng não do vi khuẩn Hib) được tiêm theo phác đồ: 3 mũi chính tiêm khi trẻ được 2,3,4 tháng tuổi. Mũi 4 nhắc lại khi trẻ 16 đến 18 tháng tuổi. Các mũi tiêm cách nhau ít nhất 1 tháng, nên hoàn thành tiêm trước khi trẻ 24 tuổi.
- Vaccine viêm não Nhật Bản gồm 3 mũi: Tiêm mũi 1, sau 2 tuần tiêm mũi 2, sau 1 năm thì tiêm mũi 3.
- Vaccine sởi được tiêm mũi đầu tiên khi trẻ đủ 9 tháng tuổi: Trẻ cần tiêm nhắc lại lúc 18 tháng tuổi bằng vaccine sởi đơn giá hoặc vaccine phối hợp 3 trong 1 ngừa bệnh Sởi - Quai bị - Rubella (Vaccine MMR).
- Vaccine tả uống: Nên dùng hằng năm tại các vùng thường xuyên xảy ra dịch cho các đối tượng có nguy cơ phơi nhiễm cao.
Ngoài các vaccine trên, một số vaccine ngoài Chương trình TCMR cũng cần được tiêm nhắc lại để củng cố miễn dịch. Không chỉ trẻ em mà đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người có bệnh tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, hen suyễn… cũng nên tiêm phòng cúm hàng năm trước mùa dịch. Vaccine phế cầu, vaccine phòng viêm não mô cầu cũng có phác đồ cụ thể theo loại vaccine và thời điểm tiêm mũi đầu tiên.
Mùa Hè là thời điểm nhiều bệnh ở trẻ nhỏ có thể bùng phát như sởi, rubella, thủy đậu… Do đó, cha mẹ cần nhanh chóng bổ sung các mũi tiêm nhắc lại cho trẻ khi đến lịch tiêm phòng. Ngoài ra, để phòng dịch COVID-19, phụ huynh cần nghiêm túc thực hiện đo nhiệt độ và khai báo y tế tại trạm y tế, trung tâm tiêm chủng; Mang khẩu trang khi cho bé đi tiêm chủng.
Trong quá trình chờ đợi, gia đình cần duy trì thực hiện giữ khoảng cách, tránh tiếp xúc gần với những người xung quanh và luôn giữ em bé ở bên mình.