Suy ngẫm về tham sân si trong dạy con cái
Là người ai cũng có Tham, Sân, Si
Tham có 3 loại : Tham của người cho mình, tham của mình cho mình và tham của mình cho người.
Trong dạy con chúng ta may mắc phải cái tham thứ 3. Bố mẹ thì cái gì nghĩ là tốt là cứ áp đặt con phải làm mặc dù chưa chắc đã phù hợp với con mình. Từ ăn uống đến học hành, lựa chọn nghề nghiệp...trẻ bị áp đặt theo ý bố mẹ nhiều quá sẽ mất tính tự tôn, mất tự tin, đôi khi còn bị stress, trầm cảm. Nên kìm chế lòng tham này.
Sân : tức là nóng giận, chỉ trích, gắt gỏng, đánh con khi con mắc lỗi hoặc làm không vừa ý bố mẹ. Cái này rất khó kiểm soát đặc biệt là với người có sẵn tính nóng nảy. Tuy nhiên cha mẹ hay nổi nóng khi con mắc sai lầm sẽ làm cho trẻ sợ, sinh ra nói dối hoặc nhút nhát. Trẻ con được quyền mắc sai lầm, thông qua các sai lầm chúng sẽ trưởng thành lên. Việc cha mẹ quá kỹ tính sẽ làm chậm quá trình trưởng thành của con. Mỗi độ tuổi cần phải mắc một số sai lầm. Tước quyền mắc sai lầm cũng là tước quyền trưởng thành của con.
Si : tức là si mê, yêu thương quá mức dẫn đến bao bọc, làm hộ con quá nhiều việc, dành hết thời gian tâm sức cho con. Điều này có thể sẽ làm hỏng các kỹ năng của trẻ, trẻ biết mình được nuông chiều sinh vòi vĩnh, ích kỷ, ỉ lại. Các cụ bảo “cá chuối đắm đuối vì con” là do tâm si mê quá mức. Nhiều vợ chồng khi sinh con sinh ra bị mất tình cảm do yếu tố này, chồng hoặc vợ quá yêu con mà quên chăm sóc nhau. Con cái nên là một phần của cuộc sống gia đình thì tốt hơn.
Tham Sân Si là bản chất của con người, tuy nhiên mức độ mỗi người không giống nhau. Vì vậy câu chuyện dạy con cũng chính là quá trình xem lại bản thân bố mẹ, thầy cô. Việc mình tưởng là tốt cho con đôi khi chưa chắc đã là tốt, tưởng là thiện đôi khi lại là ác.