Sốt phát ban rất phổ biến ở trẻ em dưới 3 tuổi. Bạn cần nhận biết sớm các dấu hiệu ở trẻ để có biện pháp chăm sóc và điều trị hợp lý, giúp bé mau chóng khỏi bệnh. Dưới đây là nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ hiệu quả.
Bệnh sốt phát ban ở trẻ là gì?
Bệnh sốt phát ban là một bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan nhanh do tiếp xúc với dịch tiết ra từ nước mũi hoặc cổ họng người nhiễm bệnh trước khi biểu hiện ra những triệu chứng bệnh. Thời gian ủ bệnh thường là 7 ngày.
Chứng sốt phát ban ở trẻ chủ yếu do virus gây ra, đặc biệt là virus đường hô hấp. Hệ miễn dịch của trẻ em ở giai đoạn 6 – 36 tháng tuổi còn non yếu nên virus rất dễ tấn công và bệnh thường xuất hiện nhiều lần ở trẻ.
Nguyên nhân sốt phát ban ở trẻ là gì?
Nguyên nhân gây ra sốt phát ban ở trẻ là do virus human herpes 6 hoặc trong một số trường hợp là do virus human herpes 7 gây ra. Trẻ nhỏ sẽ bị nhiễm các loại virus này thông qua tiếp xúc cơ thể với người bị nhiễm bệnh hoặc các vật dụng các nhân của họ.
Những biểu hiện và triệu chứng sốt phát ban ở trẻ là gì?
Sau khi bị nhiễm virus, bé sẽ bị phát bệnh sau 1-2 tuần. Nếu bị nhẹ, các dấu hiệu sốt phát ban ở trẻ có thể không rõ ràng. Tuy nhiên, một số biểu hiện và triệu chứng mà bố mẹ nên theo dõi trẻ như:
– Sốt: Khi bị sốt phát ban, trẻ có thể bị sốt cao và nhiệt độ cơ thể bé có thể tăng lên tới 39,4ºC. Ngoài ra, bé còn có thể bị đau họng, ho, chảy nước mũi trước và trong khi sốt.
– Phát ban: Thông thường các nốt phát ban sẽ xuất hiện sau khi trẻ bị sốt. Các vết ban này sẽ có màu hồng hoặc đốm và có thể xuất hiện trên ngực, bụng và lưng trước khi lan rộng đến hai tay và cổ. Các vết ban này thường không ngứa và sẽ kéo dài trong vài ngày.
Ngoài hai triệu chứng sốt phát ban đặc trưng như trên trẻ còn có thể bị một số tình trạng như: mệt mỏi, khó chịu, sổ mũi, tiêu chảy nhẹ, mắt bị sưng, biếng ăn.
Cách chăm sóc và hạ sốt phát ban ở trẻ
Sốt phát ban ở trẻ thường do những virus lành tính gây ra nên nếu chăm sóc tốt, trẻ có thể hồi phục nhanh. Đây là những nguyên tắc mà bạn cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ bị sốt phát ban tại nhà:
- Để trẻ nghỉ ngơi trên giường đến khi khỏi hẳn sốt
- Hạ sốt cho trẻ đúng cách: Nếu bé sốt cao hơn 38°C, bạn có thể cho bé uống paracetamol theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, chườm mát cho trẻ bằng nước ấm
- Bổ sung đủ nước: Bạn nên khuyến khích bé uống đủ nước, chất điện giải bù khoáng, nước chanh, nước ép trái cây tươi… để tránh mất nước
- Cho bé uống thuốc ho có nguồn gốc thảo dược để làm dịu tình trạng viêm sưng, đau ở cổ họng, thận trọng khi dùng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi
- Cho bé ăn những thực phẩm mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng, sữa…
- Lau sạch mũi bé
- Vệ sinh da, cơ thể đầy đủ, tránh kiêng gió, kỵ nước bằng cách trùm kín chăn, không vệ sinh cơ thể bé.
Nếu tình trạng sốt của trẻ không thuyên giảm, trẻ có hiểu hiện hôn mê, co giật…, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Phòng ngừa sốt phát ban ở trẻ em như thế nào?
- Sốt phát ban rất dễ lây lan trong các môi trường như nhà trẻ, mẫu giáo, trường học, bạn cần cách ly và để trẻ ở nhà khi bị bệnh.
- Hiện chưa có vắc xin phòng sốt phát ban nên cách tốt nhất để phòng tránh bệnh cho trẻ là không để trẻ tiếp xúc với người bệnh.
- Hướng dẫn trẻ và các thành viên gia đình thường xuyên rửa tay thật sạch.
- Bổ sung đầy đủ trái cây giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng chống lại virus.
Cùng với sốt phát ban, sốt siêu vi ở trẻ hay sốt xuất huyết cũng rất dễ xuất hiện ở bất kỳ mùa nào trong năm. Nếu có con nhỏ trong gia đình, bạn nên tìm hiểu rõ để có biện pháp phòng ngừa kịp thời nhé.
Khi trẻ bị sốt, bạn hãy tham khảo bài viết “8 cách hạ sốt cho trẻ nhỏ an toàn và nhanh chóng” để hạt sốt cho trẻ đúng cách nhé!