Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
“Học” nói dối từ… cha mẹ
Mặc dù không có cha mẹ nào cố ý dạy, kể cả những cha mẹ thường xuyên nói dối cũng không thích con mình nói dối. Nhưng nếu trong quá trình sống với con, để dỗ dành con nghe lời, bố mẹ thường xuyên dùng một số lời nói dối để gạt con hoặc nói dối người khác, bị con nghe thấy, dần dần con sẽ học được cách nói dối.
Cũng có thể do một tình huống khác nữa là xuất phát từ nhu cầu che giấu nào đó trong xã hội của người lớn, cha mẹ thường xuyên nói những lời “khéo léo”, mặc dù không có gì không thỏa đáng về mặt đạo đức, chỉ là kỹ xảo trong giao tiếp xã hội. Nhưng nếu chú ý, trẻ cũng sẽ lưu lại ấn tượng về sự nói dối mang lại hiệu quả, vô tình dạy chúng cách nói dối.
Theo Thạc sĩ tâm lý Đoàn Thị Hương, Trung tâm Tham vấn tâm lý Mindcare: Nói dối do “học” mà biết. Điều này có nghĩa là trẻ không phải sinh ra đã mang “gen nói dối”. Chỉ sau 4 tuổi trẻ con mới học được cách nói dối. Và tần suất của hành vi này tích luỹ cho đến khi 7 tuổi theo chiều dọc, nghĩa là trẻ em ở độ tuổi 7 và 8 đã nói dối thường xuyên hơn so với trẻ em ở tuổi lên 6.
Một nghiên cứu của Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore (NTU Singapore) cho thấy: Tật nói dối của trẻ bắt nguồn từ những câu nói dối của bố mẹ lúc trẻ còn nhỏ. Nhóm nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 379 thanh niên Singapore xoay quanh việc cha mẹ thường dọa và nói dối họ những gì khi còn bé. Hiện giờ, họ hay nói dối gì với cha mẹ. Và cách họ đối mặt với quá trình trưởng thành như thế nào.
Kết quả rất đáng chú ý. Nếu cha mẹ của những thanh niên này càng nói dối nhiều với họ khi còn nhỏ thì khi lớn họ càng có xu hướng nói dối nhiều hơn. Những thanh niên bị cha mẹ lừa dối nhiều cũng gặp nhiều khó khăn về tâm lý và tương tác xã hội hơn. Họ thường thấy khó khăn trong việc phán đoán tình huống, xử lý vấn đề, không biết thế nào là xấu hổ, ích kỷ hay lừa lọc… Những thanh niên này còn có tính cách gây hấn và thiếu quy tắc hơn những người khác.
Ông Setoh Peipei, người phụ trách chính nhóm nghiên cứu, cho biết: Các cha mẹ thường nói dối trẻ cho xong việc và tiết kiệm thời gian giải thích về những vấn đề phức tạp. Dù cha mẹ thường dạy trẻ rằng: “Thật thà là đức tính cao đẹp nhất”, nhưng họ lại hành động ngược lại. Điều này khiến đứa trẻ tiếp nhận thông tin một cách mâu thuẫn và gặp khó khăn khi lớn lên.
Ảnh minh họa. Nguồn: ITN
Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ
Minh Nam là cậu bé 9 tuổi thiếu sự tự tin trong học tập. Nhiều bài tập nâng cao làm được nhưng khi mẹ hỏi thêm hay yêu cầu giải thích thì Minh Nam đều nói dối “con nhìn bài bạn” hay “con hỏi bạn để làm”. Mỗi lần trả lời như vậy cậu không thấy mẹ hỏi gì nữa. Dần dần, Minh Nam hay nói dối để tránh những câu hỏi của mẹ.
Trong một lần trao đổi với cô giáo về việc học hành của con, mẹ Minh Nam mới biết bài đều là do con tự làm nhưng chưa hiểu kỹ lại lo sợ mẹ yêu cầu giải thích cách làm bài tập nên đã nói dối.
Theo chuyên gia tâm lý trẻ em Phạm Thị Mỹ Nhung, Viện Tâm lý Sunnycare: Bất cứ đứa trẻ nào sinh ra đều đã được “lập trình về gen” để luôn nói sự thật, bởi vậy thành ngữ mới có câu “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Trong tình huống này, việc Minh Nam nói dối có thể là trong lúc lo sợ phải trả lời thêm những câu hỏi mang tính nghi ngờ của mẹ, lo sợ trả lời sai lại bị mẹ phạt. Việc này có thể bắt đầu như một phản ứng có nhận thức lo lắng của Minh Nam nhưng dần dần trở thành hành động vô thức và “tự động kích hoạt” cách nói dối trơn tru – trả lời cho xong chuyện.
Chuyên gia tâm lý trẻ em Phạm Thị Mỹ Nhung cũng cho biết: Rất nhiều trẻ nói dối để che giấu hành vi mắc lỗi của mình do sợ bị mắng, tránh bị phạt. Đó là phản ứng của trẻ trong giai đoạn 5 - 8 tuổi. Trẻ thường dễ mắc những sai lầm như làm vỡ lọ hoa, bị trầy xước do chơi đùa, bị điểm kém... cũng có trường hợp trẻ ganh ghét với anh chị mà nói dối.
Với những đứa trẻ nói thật, nhiều cha mẹ lại nổi nóng, quát mắng, không kiềm chế được cảm xúc. Điều này khiến trẻ sợ và từ những lần sau trẻ sẽ tìm cách nói dối để không bị mắng như “Con mèo làm vỡ lọ hoa” hay “Bạn A đẩy con ngã” hoặc “Con đánh bạn vì bạn trêu con”... Dần dần, việc nói dối trở thành đùn đẩy trách nhiệm, đổ tội cho người khác.
Bên cạnh đó, trẻ thường có tâm lý muốn được quan tâm nhiều hơn, mong nhận được sự công nhận của mọi người. Thế nên, trẻ chọn cách nói dối để thu hút sự chú ý của mọi người. Những câu nói mang tính chất mè nheo như “Hôm nay con đau bụng lắm”, “Con buồn ngủ lắm”… thường được trẻ sử dụng để tránh phải làm điều không thích hoặc để cả nhà quan tâm nhiều hơn.
Những trẻ từ 4 tuổi trở lên đã có khả năng thể hiện cái tôi của mình. Chính vì vậy, biểu hiện của việc nói dối để thỏa mãn cái tôi là khoe khoang với mọi người những thứ mình có hay những khả năng của bản thân nhưng thực ra lại không phải vậy. Xuất phát từ suy nghĩ rằng, trẻ giỏi giang sẽ nhận được nhiều sự quan tâm của cha mẹ và mọi người. Bởi trong lòng trẻ cũng đang kỳ vọng rằng cha mẹ sẽ ghi nhận mình.
Tại thời điểm mà cha mẹ phát hiện những lời nói dối ở trẻ, nhiều cha mẹ quá quan trọng vấn đề khi trẻ nói dối rồi phạt trẻ thật nặng. Cũng có những cha mẹ lại thờ ơ và có người lúng túng không biết cư xử sao cho đúng. Nhưng theo ý kiến của các chuyên gia, điều quan trọng nhất khi phát hiện trẻ nói dối là cha mẹ cần bình tĩnh tìm ra nguyên nhân của lời nói dối để có cách ứng xử và nắn chỉnh phù hợp.