1. Tạo ra các quy định hợp lí
Khi các quy định của bạn rõ ràng, trẻ có thể hiểu được bạn mong muốn gì. Hãy nói cho trẻ biết về lý do đằng sau các quy định. Quy định hàng ngày cần phải nhất quán giống nhau và đưa ra hướng dẫn rõ ràng. Hãy nói cho trẻ biết điều gì trẻ có thể làm chứ không phải điều trẻ không thể. Ví dụ, thay vì nói “Con không được chạy”, hãy nói “Mình đi bộ từ từ thôi”. Thay vì nói “Con không được đánh em bé”, hãy nói “Con hãy chạm vào em bé thật nhẹ nhàng thôi nhé”. Cả bạn và trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn nếu bạn không còn phải nói “Không” liên tục nữa.
Ba mẹ hãy tạo ra những quy định rõ ràng cho trẻ hiểu điều gì có thể và không thể.
2. Chuyển hướng hành vi của trẻ.
Nhận biết hành vi xấu một cách sớm nhất và hướng sự chú ý của con trẻ tới một hành vi tốt thay vì tập trung vào hành vi xấu. Ngăn chặn hành vi xấu trước khi nó bùng phát! Nếu trẻ bắt đầu có dấu hiệu bứt rứt, cáu kỉnh hoặc mè nheo, bạn có thể đánh lạc hướng bằng những hoạt động thú vị và vui vẻ, ví dụ: "Lại đây con, chúng ta cùng ra ngoài một chút nhỉ?" Hoặc tìm một vài hoạt động đơn giản giúp trẻ thư giãn lại.
Chuyển hướng hành vi của trẻ trước khi nó bùng phát
3. Giữ bình tĩnh và kết nối
Mất bình tĩnh sẽ không giúp ích cho việc dạy dỗ trẻ. Hãy cố gắng là một tấm gương tốt. Nếu bạn quá tức giận đến mức bạn nghĩ bạn có thể nói hoặc làm gì đó mà sau này nghĩ lại bạn thấy có lỗi, hãy dừng lại một chút: Hít thở sâu - Đi ra chỗ khác để bình tĩnh lại - Tạm dừng khi gặp phải tình huống gây bức xúc. Khi bạn cố gắng hiểu cảm xúc của trẻ, bạn cho trẻ thấy cảm xúc cũng rất quan trọng. Giúp trẻ chuyển những cảm xúc thành lời nói. Hãy nói về những cảm xúc thường gặp như vui vẻ, buồn phiền, sợ hãi hay giận dữ. Hãy gọi tên cảm xúc của trẻ. Ví dụ, bạn có thể nói “Mẹ thấy con đang buồn”.Trẻ học về cảm xúc của người khác thông qua việc nói về cảm xúc. Trẻ học cách biết cảm thông khi cảm xúc của chính trẻ được tôn trọng và thấu hiểu.
Cha mẹ cần hết sức bình tĩnh khi giải quyết mọi tình huống
4. Dẫn dắt hành vi của trẻ.
Hãy đưa ra các lựa chọn, cố gắng không đặt các câu hỏi có câu trả lời “có” hoặc “không”. Ví dụ, nếu bạn phải đi đến cửa hàng, đừng hỏi “Con có muốn đến cửa hàng bây giờ không”, hãy thử nói “Bây giờ, chúng ta sẽ đến cửa hàng”. Và ngay sau đó đưa ra các lựa chọn mà bạn có thể chấp nhận được. “Con muốn mặc áo khoác hay mặc áo len”. Trẻ từ 3 tuổi trở lên có thể hiểu mối liên hệ “nhân – quả”, giữa điều trẻ làm với hệ quả sau đó. Bạn có thể đưa ra hệ quả từ hành vi của trẻ để giúp trẻ học được từ những lỗi lầm của mình. Cho trẻ cơ hội để khắc phục hậu quả hoặc sửa lỗi bằng 1 việc có ích khác. Trẻ sẽ thấy rằng không bao giờ là quá muộn để trở nên tốt hơn.
Ba mẹ hãy đưa ra những lựa chọn để dẫn dắt hành vi của trẻ
5. Khen ngợi và khuyến khích trẻ
Hãy cho trẻ biết rằng bạn có để ý và ghi nhận khi trẻ hành xử tốt. Khen ngợi là việc bạn dành cho trẻ sự quan tâm tích cực – như lời nói dịu dàng, nụ cười hay cái ôm cho hành động tốt. Hãy khen ngợi trẻ khi trẻ đã làm thành công hoặc làm được việc gì đó tốt. Ví dụ, “Con đã tự mặc quần áo một mình” hoặc “Con đã rất chú ý lắng nghe”. Khuyến khích là khi bạn dành cho trẻ sự quan tâm tích cực vì sự nỗ lực của trẻ, ngay cả đối với những việc rất nhỏ mà trẻ làm được. “Con đã rất vất vả để dọn đống bừa bộn của con” hoặc “Con đã cố gắng hết sức”. Đừng đợi cho đến khi trẻ phải làm được điều gì thật hoàn hảo thì bạn mới chú ý để tâm đến.
Thường xuyên khen ngợi và khuyến khích những hành động tốt của con.
Trò chơi vui và dễ thực hiện: "Con rối trong túi":
Trẻ thường cư xử tệ hơn khi cảm thấy buồn chán. Trẻ cần một điều gì đó thú vị để làm. Hãy thử sử dụng con rối để đánh lạc hướng trẻ. Khi bạn làm cho tâm trạng của trẻ tốt hơn, hành vi của trẻ có thể sẽ được cải thiện. Bạn có thể tạo ra một con rối đơn giản từ một chiếc tất lồng vào bàn tay của bạn. Xòe bàn tay để các ngón tay đối diện với ngón cái. Lồng bàn tay vào chiếc tất. Để tạo ra cái miệng cho con rối, nâng ngón cái lên chạm các ngón tay còn lại. Để tạo ra cái mũi, đẩy ngón giữa ra phía trước. Hỏi bé xem nên đặt mắt cho con rối ở đâu. Bạn có thể vẽ đôi mắt bằng bút dạ. Trẻ em có trí tưởng tượng rất tốt. Bắt đầu cử động mồm của con rối và nói bằng các giọng điệu khác nhau. Bạn hãy để ý xem sau bao lâu trẻ bắt đầu nói chuyện với con rối thay vì nói chuyện với bạn. Bạn có thể mang con rối trong túi của mình và đưa ra ngay khi cần.
Những trò chơi thú vị sẽ khiến tâm trạng của trẻ trở nên tốt hơn.