Bé được massage thường xuyên sẽ có thân hình săn chắc, dẻo dai, mạnh khỏe hơn. Massage vùng bụng cho bé giúp tiêu hóa tốt hơn, ít bị các chứng rối loạn tiêu hóa hay đầy bụng thường gặp ở trẻ. Massage vùng đầu giúp bé bớt căng thẳng hoặc quấy khóc vì đau đầu... Massage thường xuyên giúp tiêu hóa nhanh hơn vì làm tăng nhu động ruột, làm tăng cảm giác thèm ăn của trẻ giúp bé lên cân tốt và chóng lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy những đứa bé vừa mới sinh được massage 3 lần mỗi ngày thì trong vòng 10 ngày đã tăng gần 25% trọng lượng cơ thể bé lúc sinh. Massage còn giúp loại bỏ các độc tố, giúp bé khỏe mạnh hơn vì làm tăng khả năng bài tiết và quá trình trao đổi chất thông qua làn da của bé. Massage giúp tăng cường quá trình lưu thông máu và thúc đẩy hệ miễn dịch bé hoạt động tốt hơn giúp bé đề kháng tốt với bệnh tật. Kích thích giải phóng hormone - nội tiết tố trong cơ thể (endorphins), giúp xoa dịu cơn đau và làm giảm quá trình lưu thông của các nội tiết tố gây đau đớn căng thẳng trong máu của bé.
Một nghiên cứu gần đây thực hiện tại BV. Chelsea & Westminster cho thấy, những em bé được massage thường xuyên ít bị chứng trầm cảm sau khi sinh.
Cách massage cho bé
Trước khi massage:
- Bé có thực sự muốn massage với biểu hiện bé thoải mái không cau có hoặc quấy khóc, chúng ta mới tiến hành massage. Phòng massage nên yên tĩnh, có thể cho trẻ nghe những khúc nhạc êm dịu du dương sẽ giúp bé thoải mái và não bộ của bé phát triển.
- Người mẹ phải rửa tay sạch sẽ trước khi massage để đảm bảo sức khỏe cho bé, vì trẻ còn nhỏ rất dễ bị nhiễm khuẩn nếu chúng ta không cẩn thận.
- Cần đảm bảo phòng ấm áp, kín gió để phòng ngừa tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ sơ sinh (35,5oC hoặc thấp hơn), vì bộ phận điều hòa thân nhiệt ở não bộ chưa phát triển hoàn thiện, tình trạng hạ thân nhiệt ở trẻ nhỏ rất nguy hiểm. Nếu xảy ra việc hạ thân nhiệt người mẹ nên mặc thêm quần, áo ấm mang vớ (tất) cho bé rồi nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Trình tự massage
- Bắt đầu bằng cách xoa nhẹ theo hình vòng tròn quanh đầu bé. Sau đó dùng cả hai tay vuốt trán bé từ giữa sang hai bên (tưởng tượng trán bé như hai trang của một quyển sách đang mở). “Vẽ” những hình tròn nhỏ quanh quai hàm của bé. Massage xung quanh miệng có thể làm bé dễ chịu lúc mọc răng.
- Làm ấm vài giọt dầu trong tay bạn trước khi massage những phần còn lại trên cơ thể của bé.
- Đặt bàn tay bé vào giữa hai lòng bàn tay của bạn và chà nhẹ cho ấm lên, lần lượt từng ngón rồi tới bàn tay. Nhẹ nhàng kéo từng ngón tay của bé rồi lặp lại ở bàn tay đối diện.
- Nhẹ nhàng chà lên phần trên cùng của bàn chân bé, sau đó đến các ngón trỏ, ngón cái và tách rời các ngón chân.
- Đặt bàn tay trái của bạn ở đầu chân phải của bé, nắm mắt cá chân và nhẹ nhàng xoa bóp đùi bé, lặp lại tương tự ở chân khác.
- Massage bụng của em bé bằng một tay, xoa theo chiều kim đồng hồ để hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Đặt cả hai bàn tay lên ngực của bé, sử dụng lòng bàn tay massage xung quanh phần hông, quay lên phần giữa ngực rồi dần dần ra phía vai.
- Đặt bé nằm trên bụng bạn và massage lưng của bé. Động tác cũng tương tự như phần massage vùng ngực bé.
- Kết thúc việc massage bằng một nụ hôn nhẹ nhàng lên má bé.
Một số lưu ý
- Chọn thời điểm: tốt nhất là lúc bạn và bé đang cần thư giãn, không vội vã và không bị ai làm phiền.
- Chọn địa điểm: nên chọn chỗ nào mà cả bạn và bé đều cảm thấy thoải mái, có thể ngồi trên sàn nhà hoặc trên giường. Đặt bé nằm ngửa trên một chiếc khăn bông mềm mại để bạn có thể massage đằng trước của bé, rồi mới đến phần lưng.
- Nhiệt độ lý tưởng của phòng khoảng 28 – 29oC.
- Thời lượng cho 1 lần massage tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ, với trẻ từ 10 - 12 tháng tuổi cần massage khoảng 8 - 10 phút mới hiệu quả, với trẻ nhỏ hoặc bé sơ sinh chỉ cần massage 4 – 5 phút là vừa.
- Động tác massage cho bé nên thật nhẹ nhàng, cẩn thận móng tay của bạn có thể làm xước da của bé.