LÀM GÌ KHI CON LIÊN TỤC KÊU CA, PHÀN NÀN?
“Trời nóng quá! Con không muốn đến nhà bà ngoại.” “Eo, món này trông ghê quá!”… Khi phải liên tục lắng nghe những lời kêu ca, than thở của con chắc hẳn cũng khiến bạn bị mất bình tĩnh
Kêu ca, phàn nàn thực sự không tốt cho trẻ. Nếu con luôn nhìn thấy mặt tiêu cực, hạn chế thì nguy cơ cao con dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tinh thần, giống như trầm cảm hay lo âu.
Con cũng có nhiều khả năng gặp phải những vấn đề xã hội, chẳng hạn như bạn bè đồng trang lứa với con sẽ không muốn dành nhiều thời gian với một người luôn kêu ca, phàn nàn
Nếu con thường chê về mọi thứ xung quanh hay thường xuyên rên rỉ, than vãn thì bạn cần giúp con có suy nghĩ tích cực hơn. Nếu con không hạn chế được những thói quen tiêu cực, thiếu lành mạnh này ngay khi con còn nhỏ thì khi lớn lên con sẽ thấy rằng mình phải đương đầu với nhiều vấn đề hơn nhưng lại không biết giải quyết như thế nào.
Dưới đây là một số cách tiếp cận để bạn có thể cùng con giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.
1. GHI NHẬN CẢM XÚC CỦA CON
“Nín ngay đi, có thích khóc nữa không?” Bạn sẽ thấy mình rất dễ nói câu đó cùng thái độ tức giận, giống như cách mà có thể bố mẹ đã từng làm với mình, nhưng bạn sẽ sớm nhận ra rằng cảm giác ấm ức, khó chịu của con vẫn còn đó.
Thay vào đó, bạn có thể tóm tắt lại một chút cảm xúc của con và vì sao con có cảm xúc khó chịu ấy và lý giải vì sao mình vẫn phải tiếp tục. “Mẹ biết bây giờ con đang khó chịu vì chúng ta đã ngồi trên xe cũng khá lâu rồi nhưng phải 1 tiếng nữa chúng ta mới đến nơi.”
Thỉnh thoảng con kêu ca vì con muốn bạn biết rằng con đang có những cảm xúc khó chịu hay con đang cảm thấy không thoải mái ở chỗ nào đó trên cơ thể. Việc ghi nhận cảm xúc, suy nghĩ của trẻ có thể đủ giúp con bình tĩnh lại.
Đồng cảm với cảm xúc của con và cũng làm rõ với trẻ rằng ứng phó với trạng thái không thoải mái, khó chịu là một phần trong cuộc sống của mình.
Chẳng hạn: “Con cần phải ngồi bình tĩnh một lát vì con vừa ném đồ chơi. Con thấy thất vọng, mẹ có thể hiểu được nhưng ném đồ đạc như vậy là điều mình không chấp nhận được.”
Nếu con phản kháng bằng cách tiếp tục nài nỉ, mè nheo để có được sự chú ý của bố mẹ thì chúng ta cần làm rõ với trẻ rằng bố mẹ sẽ không chú ý nếu con cứ tiếp tục kêu gào như vậy, thay vào đó là nói rõ cho bố mẹ biết.
2. KHUYẾN KHÍCH CON RÈN LUYỆN KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Nếu con bạn phàn nàn với bạn về một việc gì đó, bạn có thể khuyến khích con tìm cách giải quyết vấn đề. Chẳng hạn, nếu con nói là: “Con thấy nóng quá” trong khi con đang chơi ở ngoài trời thì bố mẹ có thể hỏi con là: “Con nghĩ bây giờ mình nên làm gì để không bị nóng nữa?”
Nếu con cần bạn giúp để nghĩ về những giải pháp thì bạn có thể nhắc con là mình có thể ngồi một lúc trong bóng râm hoặc mình cần uống một cốc nước mắt hay thậm chí là không chơi nữa.
Dạy cho trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề sẽ giúp trẻ hiểu được rằng việc mình chạy đến và kể lể với bố mẹ sẽ không giải quyết được gì cả vì vấn đề vẫn tồn tại, cái mình cần là phải giải quyết nó. Con có thể hỏi để nhờ bố mẹ giúp hoặc thậm chí là tự mình tìm cách nếu nó phù hợp với lứa tuổi của con.
Khi trẻ có được kỹ năng giải quyết vấn đề tốt hơn thì trẻ cũng sẽ ít kêu ca, phàn nàn hơn. Người lớn chúng ta cũng vậy, khi ấy chúng ta sẽ làm để cải thiện tình huống.
Nhưng bố mẹ cũng cần thận trọng khi ngay lập tức mình tìm cách “giải cứu” con nếu con đang cảm thấy thất vọng hay gặp khó khăn ở đâu đó. Nếu bạn ngay lập tức nhảy vào can thiệp và giải quyết từng vấn đề một cho con thì lâu dần con sẽ không còn tự tin vào khả năng của bản thân và chờ cho người khác làm giúp cho mình.
3. CÙNG CON CHỈ RA NHỮNG KHÍA CẠNH TÍCH CỰC
Nếu con có thể rất nhanh chỉ ra được khía cạnh tiêu cực trong bất kỳ tình huống nào thì bố mẹ có thể giúp chỉ ra khía cạnh tích cực. Cách làm này sẽ giúp con có cái nhìn cân bằng hơn về mọi thứ xung quanh thay vì chỉ thấy khía cạnh tiêu cực.
Ví dụ, nếu con nói rằng: “Con ghét mình phải ra ngoài sớm vì trước đó trời mưa” thì bạn có thể đáp lại là: “Đúng là khó chịu thật nhưng mẹ vẫn thấy vui là mình vẫn có thể ra ngoài một chút trước khi trời lại tiếp tục mưa.”
4. GIÚP CON NHẬN RA RẰNG MÌNH VẪN CÒN CÓ SỰ LỰA CHỌN KHÁC
Đừng để con bị mắc kẹt trong tâm lý mình là nạn nhân khi thấy mình luôn ở trong một hoàn cảnh tồi tệ hay mình thường gặp phải người xấu vì khi ấy con sẽ không muốn làm bất kỳ cái gì để khắc phục cả.
Thay vào đó giúp con tập trung vào những thứ mình có thể kiểm soát được. Chẳng hạn nếu con kêu là mình không thể đạp xe vì trời mưa thì bạn có thể nói chuyện với con về những hoạt động ở trong nhà mà mình vẫn thấy vui được
Ví dụ, mình có thể nói là: “Mẹ biết là con thấy thất vọng khi không thể ra ngoài đạp xe nhưng có cái gì vui mà chúng ta vẫn có thể chơi ở trong nhà được không nhỉ?”
Đôi khi một thái độ quá tiêu cực có thể là dấu hiệu cho một vấn đề về sức khỏe tinh thần tiềm ẩn. Chẳng hạn, trẻ bị trầm cảm thường tập trung vào những điều tiêu cực và những đứa trẻ mắc chứng lo âu thường tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất. Nên nếu bạn nghi ngờ việc con liên tục kêu ca, phàn nàn có liên quan đến một điều gì đó nghiêm trọng về sức khỏe thì bạn cần tìm gặp sự hỗ trợ của bác sĩ cho trường hợp của mình.
Nguồn: Mầm nhỏ