Hoạt động này được chia làm hai loại:
Hoạt động thể lực cơ bản: Là những hoạt động thể lực nhẹ hàng ngày như đứng, đi chậm, mang vác vật nhẹ. Đây là những vận động thường ngày trong cuộc sống, tuy nhiên nếu tăng cường những hoạt động này thì cũng đạt được những lợi ích nhất định.
Hãy hoạt động thể lực hàng ngày để có sức khỏe tốt nhất
Hoạt động thể lực có lợi ích cho sức khỏe: Là những hoạt động thể lực mà khi cộng thêm vào với các hoạt động thể lực cơ bản sẽ tạo ra những lợi ích tốt hơn cho sức khỏe như làm giảm nguy cơ tử vong, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường, hội chứng chuyển hóa, loãng xương… Nó có thể là các bài tập tại chỗ như yoga, tập thể dục nhịp điệu, hoặc các bài tập như đi bộ, đạp xe hay các môn thể thao như đánh cầu, tennis, đá bóng, chơi bóng rổ… Đối với trẻ em, hoạt động thể lực có thể là làm việc nhà, chơi đùa với người nhà hay bạn bè, chạy nhảy, đi bộ/đạp xe tới trường cho tới các hoạt động thể dục thể thao như đá bóng, bơi, tập võ…
Năng lượng tiêu hao cho các hoạt động thể lực chính là mức năng lượng cần thiết cho sự căng và co của cơ, gây chuyển động các xương và tạo ra các chuyển động của các phần của cơ thể người. Do vậy, năng lượng tiêu hao phụ thuộc vào mức độ gắng sức nhiều hay ít, thời gian thực hiện các hoạt động thể lực ngắn hay dài, và loại hoạt động thể lực. Nếu một người đi bộ nhẹ nhàng trong vòng 30 phút thì sẽ tiêu tốn nhiều năng lượng hơn khi đi trong 20 phút. Nhưng nếu người đó đi bộ nhẹ trong 30 phút có thể sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn một người đi bộ nhanh trong 15 phút. Một người đá bóng có thể tiêu hao nhiều năng lượng hơn một người đi bộ nếu thực hiện trong cùng thời gian. Ngoài ra, yếu tố môi trường (nóng/lạnh, mưa/nắng…), giới tính cũng ảnh hưởng tới năng lượng tiêu hao ở người.
Thời gian tiêu hao 100 Kcal năng lượng từ một số hoạt động thể lực
Nghiên cứu cho thấy một ít hoạt động thể lực tốt hơn là không có hoạt động nào. Lợi ích của hoạt động thể lực với sức khỏe sẽ tăng thêm tùy thuộc vào thời gian, cường độ, mức độ thường xuyên của hoạt động thể lực. Không/ít hoạt động thể lực là một trong 4 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mức độ ít hoạt động thể lực tăng lên ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, cùng với đó là các hậu quả như các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, tăng đường máu và thừa cân, béo phì. Thực hiện các hoạt động thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ của các bệnh mạn tính. Hơn nữa, hoạt động thể lực là một yếu tố quan trọng trong tiêu hao năng lượng, vì thế nó là thành phần không thể thiếu trong việc duy trì cân bằng năng lượng và kiểm soát cân nặng.
TS.BS. Hoàng Thị Đức Ngàn – Viện Dinh dưỡng