Những nỗi lo khi trẻ mới đến trường mầm non
Đa số những bố mẹ trẻ khi có con nhỏ lần đầu tiên bước vào độ tuổi đến trường mầm non đều không khỏi trải qua những lo lắng. Chia sẻ trên diễn đàn làm cha mẹ chị Nguyễn Thu Hà đô thị Linh Đàm (Hà Nội) tâm sự: Bé Bông nhà chị năm nay lên ba tuổi, nấn ná mãi anh chị cũng đành phải quyết định cho con đến trường mầm non như các bạn cùng trang lứa. Cả nhà mới có đứa cháu nội đầu tiên nên bé luôn được tất cả mọi người quan tâm. Từ việc đút cho bé ăn đến đi vệ sinh con chị vẫn chưa tự làm thành thạo. Chính vì vậy, khi cho con lần đầu đến trường chị đã “gửi gắm” các cô giáo rất chu đáo, nhưng vẫn không khỏi bất an khi làm việc ở cơ quan. Chưa tan giờ làm chị đã đôn đáo chạy vội đến lớp của con. Nhìn thấy mẹ, con bé òa khóc nức nở, nghe cô giáo nói cháu lười ăn, không chịu ngủ như các bạn chị lại càng xót xa… Ròng rã 2 tuần liền mà con vẫn chưa thích nghi được với lớp học.
Nhiều phụ huynh còn bày tỏ những lo lắng sợ con bị cô phạt đứng góc hay không biết gọi cô khi cần sự giúp đỡ… Từ trước đến nay trẻ chưa từng sống xa cha mẹ và người thân, bây giờ cho trẻ đến trường mầm non con sẽ ăn thế nào? Ngủ ra sao? Nếu gặp khó khăn có thể chịu được không? Và rồi ở lớp các cô giáo có chăm sóc con tốt không? Ở nhà trẻ con có bị bắt nạt không?... Rất nhiều nỗi lo lắng, chung quy lại đều xoay quanh vấn đề làm thế nào để trẻ không bị chấn động tâm lý và bắt quen được với môi trường học tập mới.
Phải chuẩn bị tâm lý cho con
Chắc chắn những ngày đầu tiên đến trường mầm non, bé không thể tránh khỏi những lo lắng, nhiều bé không giấu được nỗi sợ hãi. Đến môi trường mới bé gặp phải những thay đổi tiêu cực về sức khỏe, thói quen, sinh hoạt… và mang đến cho các bậc phụ huynh không ít những lo lắng, vất vả. Khi bắt đầu đi học mẫu giáo, trẻ có một số đặc điểm thể chất và tâm lý mà người lớn cần lưu ý để chăm sóc thích hợp, giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập môi trường sinh hoạt mới. Thông thường, trẻ sẽ tăng cân chậm hơn những năm trước do trẻ ăn được thức ăn cứng của người lớn. Bên cạnh những rối loạn về dinh dưỡng, trẻ mới đi học cũng có những biểu hiện rối loạn tâm sinh lý. Con bạn có thể kêu đau bụng, chán ăn, sút cân, dễ nhiễm bệnh, khóc nhiều, không chịu vào lớp hoặc trở nên nhút nhát lạ thường. Nỗi sợ phải xa mẹ cũng thể hiện qua những triệu chứng như rối loạn giấc ngủ: Ngủ mơ, nói sảng… Chính vì vậy ngày đầu tiên đi học là cột mốc rất quan trọng, ba mẹ cần chuẩn bị tâm lý thật kỹ càng để bé ko bị “sốc tâm lý”.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tâm lý học (Viện Tâm lý học) thì: Việc chuẩn bị tâm lý cho trẻ khi bắt đầu đến trường rất quan trọng, cần sự phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh. Có thể nhận thấy một cách rõ ràng là về mặt cảm xúc, các bé ở tuổi mẫu giáo còn phụ thuộc nhiều vào người lớn. Khi đến trường mầm non, đối diện với khung cảnh xa lạ, nền nếp sinh hoạt mới, người chăm sóc mới cùng với việc xa cha mẹ thường để lại cho bé những dấu ấn không dễ chịu chút nào. Điều quan trọng, phụ huynh phải có sự kiên nhẫn, luôn luôn lắng nghe và tâm sự cùng trẻ để trẻ quên đi nỗi lo sợ vào những ngày đầu đến trường.
Đặc biệt cha mẹ cần dành cho bé một khoảng thời gian hàng ngày đến trường và chơi cùng các bạn, để bé quen mặt cô, quen mặt các bạn. Hãy giới thiệu với bé về trường mới, tên các cô, tên các bạn, và những điều thú vị về ngôi trường mới, bé sẽ cảm thấy gần gũi với môi trường mới và tạo dựng thói quen hàng ngày đến trường mầm non cho bé. Ở giai đoạn mới, trẻ bắt đầu chịu một số áp lực khi hình thành các thói quen học tập, tiếp thu kỹ năng sống thay vì chỉ vui chơi như trước đây. Nếu thiếu thông tin và phương pháp phù hợp, sự quan tâm, lo lắng, kỳ vọng thái quá của cha mẹ cũng sẽ vô hình tạo thêm một áp lực mới cho trẻ. Ngoài việc giúp trẻ làm quen với môi trường mới, thì việc tập cho trẻ những kỹ năng tự lập, tự phục vụ bản thân là điều không thể thiếu để trẻ biết tự tin, chủ động khi đến trường.