Thông thường việc sử dụng các thiết bị điện tử, máy tính không được khuyến khích với trẻ em, đặc biệt là trẻ bậc tiểu học. Nhưng trong tình hình dịch bệnh, chúng ta phải chấp nhận và có cách điều chỉnh cho phù hợp. Trẻ ngồi một chỗ, sử dụng các thiết bị như điện thoại thông minh, I Pad, máy tính bàn hay máy tính xách tay trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là mắt như mệt mỏi, chảy nước mắt, nhức mắt, đau đầu,…
Đồng thời, khi học online ở nhà, mỗi gia đình sẽ có điều kiện khác nhau như: sử dụng các thiết bị điện tử, bàn ghế, thiết bị ánh sáng, phòng học,…trong khi trẻ tiểu học cần được hướng dẫn về cách ngồi, tư thế, khoảng cách,… Trẻ học online trong mùa dịch thường xuyên sẽ làm ảnh hưởng đến thị lực mắt của trẻ. Để bảo vệ đôi mắt của trẻ trong mùa dịch, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn trẻ thực hiện một số biện pháp sau:
Giữ khoảng cách:
Khi học online với các thiết bị điện tử, mắt trẻ luôn phải tập trung vào màn hình, ánh sáng màn hình không tốt cho đôi mắt của trẻ, nếu tiếp xúc gần, thời gian lâu dễ dẫn đến các tật khúc xạ về mắt như cận thị. Khoảng cách tốt nhất là từ mắt trẻ đến màn hình khoảng 60 - 70cm.
Giữ khoảng cách và ngồi đúng tư thế giúp phòng chống cong vẹo cột sống, giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt
Máy tính để bàn hoặc xách tay, cha mẹ nên đặt màn hình ở ngang hoặc chếch xuống dưới tầm mắt của trẻ khoảng 15oC, điều chỉnh độ sáng phù hợp với ánh sáng trong nhà. Bàn học của trẻ nên để gần với cửa sổ để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Nếu chúng ta nối thiết bị máy tính, với màn hình ti vi bằng dây cáp, thì khoảng cách giữa trẻ với màn hình xa hơn và tốt hơn cho đôi mắt của trẻ.
Mắt nghỉ ngơi
Khi mắt nhìn gần, nhìn lâu, chăm chú vào các thiết bị điện tử, mắt phải điều tiết và phản xạ đầu tiền là mỏi mắt, mệt mỏi, chảy nước mắt, nhức mắt, nheo mắt, đau đầu,…Vì vậy cần cho đôi mắt “giải lao” theo quy tắc 20/20/20, tức là cứ 20 phút nhìn vào thiết bị điện tử, cha mẹ hãy nhắc trẻ cho mắt nghỉ ngơi 20 giây và nhìn vào một vật cách xa khoảng 6m (tương đương 20 feet).
Tiếp xúc với ánh sáng
Hoạt động ngoài trời vừa giúp trẻ được nghỉ ngơi, thư giãn, mắt trẻ nhìn và tập trung vào một vật ở xa để điều tiết và lấy lại cân bằng cho mắt, đó là cách bảo vệ đôi mắt hiệu quả nhất. Đồng thời, thời gian ở trong nhà nhiều, trẻ ít có điều kiện tiếp xúc với ánh nắng mặt trời rất dễ bị thiếu vitamin D.
Chế độ dinh dưỡng cho đôi mắt sáng
Nhu cầu dinh dưỡng với trẻ em từ 6 - 11 tuổi năng lượng khuyến nghị với một trẻ/ngày như sau: Trẻ nam 6-7 tuổi cần 1570Kcal, ở độ tuổi 8-9 là 1820Kcal và 2150Kcal với trẻ 9-11 tuổi. Tương tự, nhu cầu dinh dưỡng với trẻ nữ ở 3 nhóm tuổi trên là 1460Kcal, 1730Kcal và 1980Kcal. Năng lượng từ ngũ cốc chỉ nên chiếm 50-55% tổng năng lượng khẩu phần, phần còn lại do các chất béo cung cấp chiếm 20-25% và chất đạm cung cấp là 13-20%.
Đảm bảo cho trẻ 3 bữa chính, không để trẻ nhịn ăn sáng. Bữa sáng, bữa trưa cung cấp khoảng 35% tổng nhu cầu năng lượng của một ngày, bữa tối cung cấp 30%. Nếu có bữa phụ thì phân chia thành 4 bữa: năng lượng của bữa sáng từ 25-30%, năng lượng bữa trưa 35%, năng lượng bữa phụ 10%, năng lượng bữa tối 25-30% tổng nhu cầu năng lượng.
Các loại thực phẩm nguồn gốc động vật và thực vật cung cấp các loại vitamin, chất khoáng giúp cho đôi mắt sáng và tăng cường trí nhớ cho trẻ gồm:
Nhóm vitamin tan trong dầu mỡ :
Vitamin A: Cần cho sự tăng trưởng, giúp sáng mắt, tăng cường hệ thống miễn, tăng sức đề kháng, nhưng vitamin A còn đóng một vai trò quan trọng trong tế bào thần kinh nó thúc đẩy việc sản xuất các enzym giúp cho dẫn truyền thần kinh như dopamine, các thành phần hóa sinh cơ bản trong tâm trạng, trí nhớ để học tập.
Nguồn cung cấp vitamin A có nhiều trong gan, lòng đỏ trứng, dầu cá…;Tiền vitamin A là betacaroten có nhiều trong các loại củ, quả màu vàng, đỏ: cà rốt, bí đỏ ,gấc, đu đủ, chuối cam và các loại rau xanh đậm như rau ngót, rau muống, rau giền…
Vitamin D:
Ánh nắng mặt trời chuyển đổi tiền vitamin D trong da của chúng ta thành vitamin D, một chất dinh dưỡng cần thiết để kiểm soát sự hoạt động của rất nhiều gen. Mức độ thấp của vitamin D có liên quan đến một loạt các rối loạn tâm thần, bao gồm trầm cảm, mất trí nhớ, bệnh Parkinson, rối loạn tiền kinh nguyệt, và một số ung thư. Thiếu vitamin D cũng làm giảm khả năng miễn dịch.
Nguồn cung cấp vitamin D: bữa ăn hàng ngày chỉ cung cấp được 10-20% nhu cầu vitamin D của cơ thể do vitamin D có rất ít trong 1 số thực phẩm như cá béo, bơ và mỡ động vật nuôi trên đồng cỏ (phải được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời). Nguồn vitamin D tốt nhất là ánh sáng mặt trời (tiếp xúc trực tiếp với da),
Vitamin E:
Vitamin E bảo vệ các chất béo trong não khỏi các gốc tự do, đặc biệt là các chất béo omega-3 DHA và EPA, trong đó tập trung ở tế bào thần kinh.
Khoa học phát triển cho thấy tocotrienols là chất bảo vệ tế bào thần kinh quan trọng, vì giúp chặn các tín hiệu viêm tiêu diệt tế bào não. Những người ăn nhiều loại thực phẩm từ tocopherols cho thấy giảm đáng kể việc suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer. Bên cạnh việc bảo vệ tế bào thần kinh của bạn, vitamin E cũng có liên quan đến phòng chống bệnh ung thư và bảo vệ tim mạch. Nguồn cung cấp vitamin E tốt nhất: các loại rau mầm, hạnh nhân, ô liu.
Magiê:
Một số thực phẩm thông dụng giàu magiê
Magiê là một khoáng chất giúp giảm bớt căng thẳng cho não, dây thần kinh và cơ bắp. Nó còn được sử dụng để điều trị trầm cảm lâm sàng. Magiê bảo vệ bộ não khỏi chất thải amoniac, thư giãn mạch máu. Gia tăng mức độ magiê trong não sẽ cải thiện trí nhớ và học tập, trong khi sự thiếu hụt có thể dẫn đến trầm cảm, lo âu, bệnh tăng động giảm chú ý, mất ngủ và mệt mỏi. Nguồn cung cấp magiê tốt nhất: Rau lá xanh, ngũ cốc, cá hồi, đậu, hạt hướng dương, mật mía.
Sắt (Fe)
Sắt là thành phần cấu tạo của hemoglobin (huyết cầu tố) và myoglobin (thành phần của sợi cơ). Ngoài ra, sắt cần thiết cho việc sử dụng năng lượng của tế bào. Thiếu sắt là một nguyên nhân quan trọng của thiếu máu, dẫn đến tình trạng hay mệt mỏi, học kém tập trung và dễ buồn ngủ trong giờ học. Ngoài ra, thiếu sắt cũng dẫn đến tình trạng giảm hoạt động thể chất và tinh thần, suy giảm miễn dịch, tổn thương cơ quan khác của cơ thể như màng bồ đào ở mắt, móng, chậm lành vết thương Chất sắt có nhiều trong huyết, gan, thịt, cá hoặc rau xanh như rau giền, rau ngót và các loại đậu. Sắt có nguồn gốc động vật thì dễ hấp thu hơn thực vật.
Kẽm:
Là thành phần của rất nhiều emzyme khác nhau liên quan đến nhiều hoạt động khác nhau trong cơ thể. Kẽm giúp chuyển hóa năng lượng và tổng hợp protein; Hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch; Hoạt động và chuyển hóa insulin; Hấp thu và vận chuyển vitamin A; Anh hưởng đến tri giác và nhận thức; Tăng tốc độ lành vết thương.
Thiếu kẽm sẽ dẫn đến rất nhiều các rối loạn không đặc hiệu như mệt mỏi, chán ăn, giảm thị lực, chậm tăng trưởng do giảm tốc độ tổng hợp ADN và tổng hợp protein, dậy thì chậm, giảm hoạt động của các tuyến nội tiết… Kẽm được cung cấp chủ yếu qua thức ăn động vật như thịt heo bò, cá gia cầm... có nhiều trong các loại hải sản như ngao, hàu, …
I-ốt:
Là thành phần cấu trúc của hormone tuyến giáp trạng, hormone tác dụng trên tất cả các tế bào của cơ thể, có vai trò chủ yếu trong việc sinh sản và biệt hóa tế bào, đồng thời ảnh hưởng đến hàng loạt các chức quan trọng khác của cơ thể như điều hòa thân nhiệt, tạo tế bào máu, điều phối hoạt động của hệ thần kinh, cơ, điều phối hoạt động sử dụng oxy của tế bào, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa năng lượng nội tế bào…
Thiếu hụt i-ốt liên quan đến nhiều vấn đề về sức khoẻ nhưng đáng quan ngại nhất là bệnh đần độn, chậm phát triển thể chất và tinh thần, mệt mỏi, giảm khả năng học tập...
Thiếu i-ốt sẽ làm cho hoạt động trí não của các em bị trì trệ, kém sáng tạo, giảm tiếp thu bài trong giờ học. I-ốt có nhiều trong các loại cá biển và hải sản, nhất là các loại tảo biển .
Canxi:
Canxi là một chất bổ sung mà hầu hết mọi người nghĩ là có lợi cho xương, nhưng canxi cũng có lợi cho cơ thể theo những cách khác, bao gồm cả trong tinh thần minh mẫn giúp tăng cường trí nhớ và học tập. Sữa, các chế phẩm của sữa, tôm, cua cá… là nguồn cung cấp tốt nhất canxi cho trẻ.
ThS. BS Nguyễn Văn Tiến - Trung tâm Giáo dục Truyền thông dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng