Người lạ nào an toàn với con?
Người lạ an toàn là những người mà bé có thể nhờ giúp đỡ khi cần. Cảnh sát và lính cứu hỏa là hai ví dụ rất điển hình cho những người lạ an toàn. Ngoài ra, trẻ còn có thể tin tưởng thầy cô giáo, hiệu trưởng, nhân viên thư viện. Tuy thế, bạn cũng phải nhấn mạnh với bé là bất cứ khi nào gặp khó khăn, bé nên nhờ sự giúp đỡ ở chốn đông người.
Bạn có thể giúp con nhận ra những người lạ có thể giúp đỡ mình bằng cách chỉ cho con thấy khi đi cùng nhau. Bạn cũng nên chỉ cho bé những nơi mà bé có thể nhờ giúp đỡ khi cần ví dụ như thư viện địa phương, nhà hàng hoặc nhà của người bạn nào đấy.
Tùy vào tuổi của bé mà bạn nói với bé về người lạ, ví dụ như ở lứa tuổi mẫu giáo, bạn không thể giải thích cho bé người lạ là người nào và tiếp xúc với ai thì an toàn, với ai thì nguy hiểm. Bạn có thể bắt đầu dạy bé những thứ trên từng chút một nhưng thực sự con bạn còn quá nhỏ để có thể hiểu hết những gì bạn nói.
Con nên và không nên làm gì với người lạ?
Khi dạy trẻ cách ứng xử với người lạ, bạn cần nói rõ những điều nên và không nên trong những tình huống cụ thể, rõ ràng để trẻ có thể tiếp thu dễ dàng.
- Khi đi lạc: Nếu lạc mẹ trong tiệm tạp hóa, bé phải đi đến quầy tính tiền và nói rằng mình đang bị lạc, nói tên họ cho nhân viên và đừng đi đâu cho tới khi mẹ tới đón. Với tình huống bé đi lạc khi ở ngoài đường, bạn phải dặn bé bất cứ khi nào cảm thấy mình đang đi lạc, nên ngừng lại và nhìn xung quanh. Nếu không thấy cha mẹ, bé nên chạy tới chỗ cảnh sát. Nếu không thấy chú cảnh sát, bé nên chạy tới chỗ nhân viên bán hàng. Nếu một người lạ nói với bé rằng: “Đi với cô tìm mẹ nào”, bạn hãy căn dặn con nhất định không được đi;
- Khi có người lạ tiến đến gần: Bé có thể chào họ nhưng cũng có thể không chào, nhất là khi không có cha mẹ gần đấy và không bao giờ được đi đâu cùng người lạ;
- Khi sử dụng Internet: Đặt máy tính của bé ở nơi mà bạn có thể biết được bé đang làm gì. Trẻ em ở lứa tuổi này không nên chat trên mạng xã hội quá nhiều, cũng không nên chia sẻ những thông tin cá nhân, những câu hỏi, câu trả lời hoặc điền vào biểu mẫu online;
- Khi sử dụng phòng vệ sinh công cộng: Đến 6 tuổi, hầu hết trẻ em đều có thể sử dụng nhà vệ sinh công cộng một mình. Nhưng hãy thận trọng, cha mẹ nên đứng bên ngoài và nói bé gọi nếu cần giúp đỡ. Nếu người lạ đề nghị giúp đỡ, bé nên từ chối lịch sự: “Không ạ, cháu có thể tự làm” hay “Không ạ, cám ơn, mẹ cháu sẽ giúp cháu”;
- Khi ở nhà: Khi ở nhà một mình và có người gõ cửa, bé không nên mở cửa ngay lập tức mà nên nói: “Mẹ cháu đi vắng rồi ạ”. Nếu người khách đấy mang một kiện hàng, bé có thể yêu cầu họ đặt kiện hàng xuống và có thể đề nghị họ quay lại lần sau. Nếu có điện thoại bàn, bạn có thể dặn bé khi nào thì nên trả lời điện thoại. Bé 5 tuổi thì còn quá nhỏ, nhưng nếu đã 8 tuổi thì con bạn đã đủ lớn để biết cách nói chuyện điện thoại với người lạ rồi đấy. Nếu khi vắng nhà mà muốn gọi điện thoại cho bé thường xuyên, bạn có thể sử dụng mật khẩu để bé nhận ra bố mẹ.
Hello Bacsi mong rằng những lời khuyên trên sẽ hữu ích cho cha mẹ trong việc nuôi dạy bé một cách tốt nhất. Việc dạy bé cách ứng xử với người lạ cũng chính là một cách mà bố mẹ bảo vệ con yêu được an toàn và khoẻ mạnh.