Triệu chứng của sốt xuất huyết
Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn... Nặng hơn có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích huyết tương, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó người dân cần hết sức chú ý và các nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Phân biệt sốt xuất huyết với nhiễm COVID-19
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính tới giữa tháng 7 năm 2021, toàn thành phố Hà Nội có 322 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Bệnh nhân phân bố chủ yếu tại các quận, huyện: Hoài Đức, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng...; số ca mắc sốt xuất huyết tuần 29 so với tuần 29 năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng nhanh với tỷ lệ 77,8%, cùng với thời tiết mùa mưa, việc gia tăng mật độ muỗi Aedes và số ca mắc sốt xuất huyết Dengue tăng cao dễ gây ra các ổ dịch tại khu vực đông dân cư vào các tháng 9, 10, 11.