CÓ NÊN CHO TRẺ SỬ DỤNG TIỀN SỚM?
Từ lâu rồi mình rất mông lung, liệu có nên cho con sử dụng tiền sớm? Thực tế có quá nhiều người bị mắc kẹt trong vòng xoáy của đồng tiền, vì đồng tiền mà bất chấp làm mọi thứ. Khi chứng kiến điều đó, mình đã đổ thừa mọi thứ đều xuất phát từ đồng tiền. Chính nó đã đổi trắng thay đen, chính nó đã khiến con người mù quáng, chính nó đã đẩy con người ta vào bế tắc, mất tình người…..
Nhưng suy xét lại, đồng tiền đâu có lỗi. Nó chỉ là công cụ, là thứ để con người đem ra trao đổi mà thôi. Và chính chúng ta đã và đang làm nô lệ cho đồng tiền. Mình đã rất đắn đo và không biết nên làm thế nào khi có rất nhiều ý kiến trái chiều. Cho con biết đến tiền sớm sẽ làm con hư, nhưng nếu không cho con biết đến tiền con sẽ trở thành một đứa trẻ gà mờ. Để có câu trả lời, mình đã tìm đọc cuốn sách “Phương pháp giáo dục con của người Do Thái”. Đây là cuốn sách rất tiêu biểu cho phương pháp giáo dục trẻ trên toàn thế giới.
Cuốn sách đã làm sáng tỏ vấn đề mà mình đang gặp phải và mình quyết định sẽ cho con sử dụng tiền sớm từ 4-5 tuổi. Vậy tại sao nên cho trẻ sử dụng tiền từ sớm? Chúng ta cần giáo dục trẻ về tiền để trẻ hiểu được rằng, tiền không phải tự nhiên mà có, phải có lao động mới có tiền, phải chi tiêu hợp lý và biết cách kiếm tiền từ nhỏ.
Sau khi hiểu rõ vấn đề, mình đã áp dụng tương đối thành công với bé lớn. Mỗi tuần mình cho bé 20 nghìn tiêu vặt. Với 20 nghìn đó, con sẽ phải tính toán làm sao đủ chi tiêu trong 7 ngày. Nếu con tiêu hết trong 5 ngày, thì 2 ngày sau con không có tiền để chi tiêu và phải đợi đến tuần sau. Để có thêm tiền chi tiêu, mua đồ mà con thích. Con sẽ phải tự kiếm thêm tiền bằng cách: nhặt giấy vụn, lon bia, làm một số công việc nhà …
Như mong đợi, cách làm này đã phát huy tác dụng rất hiệu quả. Trưa nay bạn lớn được mẹ đón đi học về, với cái bụng rất đói, thời tiết nóng bức làm bạn toát hết mồ hôi. Ôi! Lúc này bạn đang rất thèm ăn kem. Bạn nói với mẹ “mẹ ơi con muốn ăn kem. Nhưng con không muốn tiêu hết 3 nghìn trong một ngày, con sẽ mua cái kem 2 nghìn thôi. Để dành tiền hôm sau lại mua tiếp”.
Một hôm khác, khi đi phơi quần áo cùng mẹ, bạn ấy thấy áo của em trai bị rách. Nên đã dành 70 nghìn tiết kiệm từ số tiền chi tiêu, làm việc nhà và nhặt giấy vụn, để mua cho em trai một cái áo. Thực sự mẹ cũng rất bất ngời, vì không nghĩ rằng con lại đưa ra ý định mua áo cho em trong khi số tiền đó con đã tiết kiệm rất lâu mới có được.
Nếu là trước đây, con thích gì cứ ăn vì nhà bà bán hàng, mọi thứ đều sẵn. Mỗi ngày ăn hết mấy chục nghìn tiền quà. Đến bây giờ, khi được quản lý tiền, con biết cân đo đong đếm, cái gì cần mới mua, cái gì không cần thiết thì cho qua. Và khi mẹ hỏi “tiền được tạo ra từ đâu ?” con luôn trả lời rất chắc chắn “tiền có được nhờ lao động, phải lao động mới có tiền ạ”.
Có thể nói, ngày nay giáo dục con cái về vấn đề tài chính đã trở thành một chủ đề mang tính xã hội. Có một quan niệm tài chính đúng đắn sẽ giúp trẻ thay đổi được cuộc đời và góc nhìn. Vì thế, chúng ta hãy chú ý bồi dưỡng quan niệm đúng đắn về tài chính cho trẻ.