Bài viết được kiểm duyệt chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Bách - Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Thời điểm giao mùa là lúc các loại virus phát triển mạnh mẽ, xâm nhập vào cơ thể con người và gây ra các bệnh đường hô hấp. Với những bệnh nhân mắc bệnh hô hấp mãn tính, tình trạng sẽ chuyển biến nặng hơn, ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Dưới đây là các gợi ý để mọi người chủ động tăng cường sức khỏe cho phổi vào những dịp giao mùa.
Giao mùa là thời điểm lý tưởng để các loại virus sinh sôi, phát triển. Lúc này tỷ lệ mắc các bệnh đường hô hấp càng tăng cao. Dưới đây là 4 bệnh đường hô hấp phổ biến hay gặp trong lúc giao mùa.
1.1. Viêm họng cấp tính
Viêm họng cấp tính thường hay xảy ra vào lúc giao mùa, xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Triệu chứng đầu tiên của viêm họng cấp là: đau họng, khàn tiếng, ho khan, ho có đờm, cổ họng khô rát, sốt cao (38-39 độ C) kèm theo sổ mũi.
Nguyên nhân chính gây ra tình trạng này là do vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A hoặc do virus xâm nhập gây bệnh. Viêm họng nếu không được can thiệp điều trị có thể dẫn đến nhiều bệnh lý hô hấp nguy hiểm khác như: viêm mũi, áp xe thành họng...
1.2. Viêm khí phế quản
Nguyên nhân gây ra viêm khí phế quản thường là do thay đổi thời tiết, viêm mũi, viêm họng nhưng không được điều trị kịp thời khiến bệnh tiến triển nặng hơn. Nếu tình trạng này không được điều trị dứt điểm sẽ khiến nhiễm trùng lan vào các phế nang phổi, gây ra các triệu chứng nguy cấp như: sốt cao li bì, ho khan, tức ngực, khó thở, khạc ra đờm màu xanh hoặc vàng.
1.3. Cúm mùa
Trẻ em và trẻ sơ sinh là đối tượng dễ mắc cúm mùa do sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Cúm dễ lây lan khi trẻ tiếp xúc gần với người mắc bệnh. Các triệu chứng dễ thấy nhất là: đau đầu, chóng mặt, sốt nhẹ, ớn lạnh, ho, đau họng, hắt hơi và chảy nước mũi trong. Ở các đối tượng như trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai, cúm mùa dễ trở nặng hơn và diễn tiến nhanh chóng thành suy hô hấp, gây đe dọa đến tính mạng.
1.4. Hen suyễn
Hen suyễn là bệnh dễ tái phát đặc biệt vào thời điểm giao mùa. Khi mùa thu chuyển dần sang đông chính là giai đoạn tồi tệ nhất đối với những bệnh nhân bị mắc bệnh hen suyễn. Bên cạnh đó, thời điểm cuối tháng 8 và đầu tháng 9 cũng là lúc có nhiều người lên cơn hen phế quản do lúc này là mùa tựu trường, mật độ đi lại tăng cao kết hợp với sự gia tăng lây nhiễm của nhiều loại virus gây bệnh.
Ngoài ra, như đã đề cập thời tiết thay đổi đồng nghĩa với việc nhiệt độ, độ ẩm không khí thay đổi, thậm chí là sự xuất hiện của nhiều loài hoa cỏ khác nhau... càng là những yếu tố kích hoạt bệnh hen suyễn tái phát. Người bị hen suyễn sẽ dễ bị dị ứng với các tác nhân khác nhau như phấn hoa, khói bụi... và bệnh sẽ càng nghiêm trọng hơn khi cơ thể bị nhiễm virus đường hô hấp.