Các tài liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) và Bộ Y tế Việt Nam đều khuyến cáo người có triệu chứng như ho, sốt, đau họng cần liên hệ với cơ quan y tế để trợ giúp. Tuy nhiên, cảm lạnh thông thường, cảm cúm và dị ứng theo mùa cũng gây ra triệu chứng tương tự.
Mayo Clinic đã phân tích và chỉ rõ một số điểm quan trọng để phân biệt người mắc Covid-19, nhất là biến chủng mới, với cảm lạnh, cảm cúm và dị ứng theo mùa.
COVID-19 VÀ CẢM LẠNH THÔNG THƯỜNG
Covid-19 và cảm lạnh đều do virus gây ra. Trong đó, Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây nên. Cảm lạnh do rhinovirus. Cả hai loại virus này, ngay cả ở virus biến chủng, đều có cách lây nhiễm tương tự, gây ra các triệu chứng ho, sốt, đau họng, mệt mỏi.
Người nhiễm virus SARS-CoV-2 chủng cũ và biến chủng mới thường ho khan, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi. Trong khi đó, triệu chứng sổ mũi xuất hiện không điển hình, nhiều người thậm chí không có triệu chứng này.
Ngoài ra, bệnh nhân Covid-19 thường bị chảy nước mũi hoặc ngạt mũi, sốt. Mất vị giác hoặc khứu giác cũng là dấu hiệu thường gặp và xảy ra sớm, nhưng không đi kèm ngạt mũi hoặc sổ mũi. Dấu hiệu buồn nôn, tiêu chảy ít gặp.
Trong khi đó, người bị cảm lạnh thường ho, đau họng, chảy nước mũi. Họ ít khi bị đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi. Tình trạng sốt và mất khứu giác do ngạt mũi cũng xảy ra nhưng chỉ là triệu chứng không điển hình. Đặc biệt, bệnh nhân cảm lạnh thông thường sẽ không bị tiêu chảy hay buồn nôn.
Các triệu chứng của Covid-19, cúm, cảm lạnh, dị ứng theo mùa thường có nhiều điểm tương đồng. Ảnh: Freepik.
Các triệu chứng nhiễm nCoV thường khởi phát từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn lây. Triệu chứng cảm lạnh thường khởi phát từ một đến 3 ngày sau khi tiếp xúc virus gây bệnh.
Hiện nay, không có cách chữa khỏi cảm lạnh thông thường. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng thuốc giảm đau, thuốc cảm, thông mũi. Bệnh cũng thường vô hại và có thể tái phát bất kỳ khi nào. Người bị cảm lạnh sẽ khỏi sau 3-10 ngày. Một số người bị từ 2 đến 3 tuần.
Trong khi đó, bệnh nhân Covid-19 tùy tình trạng sẽ phải điều trị theo các phác đồ riêng biệt. Thậm chí, người mắc bệnh nặng phải sử dụng kháng sinh liều cao.
COVID-19 VÀ DỊ ỨNG THEO MÙA
Không giống Covid-19, dị ứng theo mùa không do virus gây ra. Nó là phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc các chất lạ, gây dị như như phấn hoa, cỏ, mùi…
Người bị dị ứng theo mùa sẽ không bao giờ sốt, đau cơ hay tiêu chảy. Triệu chứng ho, mệt mỏi, đau họng, mắt đỏ, mất khứu giác và vị giác ít xảy ra. Chủ yếu họ sẽ bị ngứa mũi, mắt, miệng và tai trong, hắt xì nhiều lần, chảy nước mũi hoặc ngạt mũi.
Ngoài ra, Covid-19 có thể gây khó thở. Trong khi đó, dị ứng theo mùa không gây tình trạng này, trừ khi bạn mắc các bệnh về hô hấp như hen suyễn và tiếp xúc phấn hoa.
Thuốc điều trị dị ứng theo mùa có thể gồm thuốc kháng histamine, thuốc xịt steroid và thuốc thông mũi. Bệnh nhân được khuyến cáo tránh tiếp xúc chất gây dị ứng (nếu có). Dị ứng theo mùa có thể kéo dài vài tuần.
Người dân trở về từ vùng dịch, có triệu chứng ho, sốt bất thường cần khai báo y tế và tới cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp, sàng lọc bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Đức Anh.
COVID-19 VÀ CÚM
Cả hai loại này đều là bệnh truyền nhiễm ở đường hô hấp do virus gây ra. Người mắc cúm là do nhiễm virus cúm A, B và bị lây theo cách tương tự SARS-CoV-2.
Điểm khác biệt lớn nhất đó là bệnh nhân bị cúm ít khi bị mất khứu giác, vị giác. Triệu chứng buồn nôn, tiêu chảy cũng có thể xuất hiện ở một số trường hợp nhưng chủ yếu là trẻ em.
Hai căn bệnh này đều gây ra triệu chứng ho, sốt, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, chảy nước mũi, ngạt mũi, thở gấp hoặc khó thở… Triệu chứng mắc cúm thường khởi phát 1-4 ngày sau khi nhiễm virus.
Do những triệu chứng giống nhau và rất dễ nhầm lẫn, bỏ sót, các cơ quan y tế khuyến cáo nếu bạn có dấu hiệu bất thường như viêm đường hô hấp cần thông báo và gọi trợ giúp. Đặc biệt, những người có nguy cơ cao như từng tiếp xúc bệnh nhân mắc Covid-19, trở về từ vùng dịch…càng phải tuân thủ nguyên tắc này.
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 679 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.
Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.
Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.
Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.