Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi chúng ta hít thở. Đối với trẻ em đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ dàng lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, bệnh hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và hệ miễn dịch kém. Chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài, nên trẻ thường mắc các bệnh như: sốt vi rút, quai bị, ho gà, cúm, viêm họng, viêm phế quản…là những bệnh thường gặp trong mùa đông, thời tiết lạnh, mưa phùn, độ ẩm không khí cao. Những triệu chứng thường gặp và dễ nhận biết khi mắc bệnh như sốt, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt, nước mũi, đỏ mắt, đau nhức cơ, khớp, đau đầu... Nếu ở thể nhẹ, người bệnh có thể sốt từ 3-5 ngày, sau đó bệnh tự khỏi. Hiện nay tuy các bệnh về đường hô hấp đặc biệt là sốt vi rút chưa ở diện rộng, nhưng do dễ lây nhiễm, nên cần chú trọng đến việc phòng chống bệnh.
Sốt vi rút là bệnh lây truyền mạnh qua đường hô hấp (ho, hắt hơi) nhất là trong môi trường tập thể: trường học, công sở, nơi công cộng. Bệnh có thể gây biến chứng gây nguy hiểm đến trẻ. Để hạn chế các bệnh thường gặp trong mùa đông, trường Mầm non Sơn Lĩnh cũng đã có những biện pháp phòng tránh như: phối hợp với Trạm y tế khám sức khỏe định kỳ cho trẻ 2 lần/năm, phun khử trùng bằng dung dịch clominB, thường xuyên lau rửa đồ dùng đồ chơi, vệ sinh chăn chiếu sạch sẽ, đảm bảo cho trẻ được ngủ ấm, uống nước ấm trong mùa đông... Trong các hoạt động vệ sinh giáo viên rèn các kỹ năng vệ sinh rửa mặt, đánh răng, rửa tay đúng quy trình cho trẻ. Bên cạnh đó kết hợp tuyên truyền phối hợp với phụ huynh các biện pháp nuôi con khoa học.... Để phòng tránh các bệnh thường gặp trong mùa đông các bậc phụ huynh cần thường xuyên giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ được sạch sẽ. Thời tiết lạnh, độ ẩm không khí cao nên mặc đủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời ở các vị trí quan trọng như bàn tay, bàn chân, ngực, cổ, đầu,... nhất là khi đi ra ngoài trời vào buổi tối và sáng sớm. Tăng cường chế độ dinh dưỡng, nên ăn thức ăn khi còn nóng, cung cấp cho cơ thể đủ lượng ka-lo cần thiết để tăng sức đề kháng. Bên cạnh đó, cần giữ gìn vệ sinh nơi ăn ở và môi trường xung quanh, như phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh...Nếu trường hợp các cháu nhỏ bị sốt vi rút, hoặc sốt chưa rõ nguyên nhân các bậc phụ huynh cần đưa các cháu đến cơ sở y tế để các bác sĩ chẩn đoán, tư vấn chăm sóc và chỉ định điều trị. Khi các cháu sốt, dễ bị mất nước, vì vậy cần cho các cháu uống đủ nước (nước đun sôi để ấm), nhất là nước hoa quả, dùng khăn chườm hạ sốt, không nên mặc quá nhiều quần áo cho các cháu, tránh tình trạng làm sốt cao hơn, ra mồ hôi nhiều khiến bị cảm lạnh. Nếu thấy các cháu sốt cao, kéo dài bố mẹ cần đưa đến bệnh viện để điều trị kịp thời.
Các bậc cha mẹ tiếp tục tuyên truyền đến những người xung quanh để mọi người nắm được kiến thức phòng chống lây nhiễm bệnh, để cho con em mình luôn có một sức khỏe tốt nhất. Hi vọng rằng bài tuyên truyền này sẽ giúp các bậc phụ huynh có thêm kiến thức phòng các bệnh thường gặp trong mùa đông xuân hiệu quả nhất, có thể chăm sóc con em mình luôn luôn khỏe mạnh để trẻ có thể vui chơi và học tập được tốt nhất./.