Các mẹ đã biết về những trò chơi bổ ích giúp bé vừa có khoảng thời gian vui vẻ lại có thể tăng cường khả năng tư duy chưa? Cùng tìm hiểu về một số trò chơi giúp bé yêu ngày càng thông minh và phát triển khỏe mạnh hơn nhé!
1. Vẽ tranh
Vẽ tranh là một trong những trò chơi giúp phát triển trí thông minh của trẻ, được coi là bước đệm đầu tiên cho sự phát triển khả năng đọc, viết của bé sau này. Khi bé cầm bút vẽ, bé đang tưởng lại hình khối, màu sắc, kích thước của các vật thể mà bé bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày và tái hiện lại chúng qua bức vẽ. Lúc này, bé sẽ hình thành khả năng tư duy và sáng tạo, phối hợp những đường nét, màu sắc để tạo nên bức tranh, một hoạt động trí não tương tự với việc đọc, viết của bé sau này.
Bên cạnh đó, qua tranh vẽ, cha mẹ cũng có thể theo dõi được sự phát triển tư duy của bé, từ đó tìm ra phương pháp phát triển tốt nhất cho bé.
2. Các trò chơi ghép hình
Theo Tiến sĩ Robert S. Siegler và Geetha B. Ramani của trường đại học Carnegie Mellon, Mỹ, việc tìm cách sắp xếp các mảnh ghép đòi hỏi một sự hợp tác của cả não trái lẫn não phải, lúc này não bộ ở trong trạng thái hoạt động tốt nhất. Sự sắp xếp các hình khối sẽ phát huy được óc tưởng tượng cùng trí thông minh về không gian của bé, 1 trong 8 loại thông minh cần được phát triển ở trẻ nhỏ.
Ngoài ra, trò chơi này cũng cực kỳ bổ ích trong việc tăng cường khả năng ghi nhớ của bé. Ví dụ, bé sẽ phải nhớ lại kích cỡ, màu sắc của các mảnh ghép không đúng trước đó và sử dụng chúng khi tìm được một vị trí phù hợp.
3. Chơi đùa với cát
Cát là một môi trường tuyệt vời cho sự phát triển trí óc của bé. Tính chất vật lý vốn có của cát sẽ mở rộng tầm hiểu biết và nhận thức của bé về môi trường xung quanh. Bé sẽ học được cách kết hợp nước với cát và sử dụng tính sáng tạo của mình để tạo ra những hình khối ngộ nghĩnh như căn nhà, tòa lâu đài… Hơn thế nữa, việc sử dụng thùng đựng cát kích cỡ và hình dạng khác nhau có thể dạy cho bé những khái niệm liên quan tới toán học như “lớn hơn”, “nhỏ hơn”, “bằng nhau”. Qua nhiều lần thử nghiệm và thất bại, bé sẽ tìm ra lượng cát thích hợp để hoàn thành tác phẩm của mình.
4. Chơi đùa cùng bóng
Khi chơi đùa cùng bóng, bé sẽ thực luyện tập được khả năng xác định phương hướng và dự đoán vị trí lăn của trái bóng, củng cố nhận thức của bé về không gian. Khoảng cách giữa mình và trái bóng là bao xa? Mối liên hệ giữa mình và trái bóng như thế nào? Ngoài ra, theo như Maureen Maiocco, giám đốc chương trình giáo dục sớm tại Suny Canton, New York, Mỹ, việc tạo ra những trò chơi về vận động thể chất sẽ giúp đầu óc của bé hoạt động hiệu quả hơn, từ đó phát triển khả năng tư duy, sáng tạo.
5. Chơi nấu ăn
Các mẹ thường hay để bé cách xa khu vực bếp núc nhưng trên thực tế đó là cả một khu vườn kiến thức giúp bé thông minh hơn. Sự đa dạng của thực phẩm sẽ giúp bé phát triển khả năng phân biệt màu sắc, khái niệm về định lượng. Mẹ có thể mua những khuôn hình màu sắc, kích cỡ, hình dáng đa dạng để bé có thể sáng tạo ra những hình thù ngộ nghĩnh khi giúp mẹ nhào bột làm bánh. Việc cùng nhau vừa làm việc nhà vừa chơi đùa như thế này sẽ giúp khiến bé yêu thích việc giúp đỡ gia đình ngay từ khi còn nhỏ, phát triển trí thông minh nội tâm, một trong 8 loại thông mình cần phát triển ở trẻ nhỏ.
6. Chơi trốn tìm
Trò chơi trốn tìm là một trò chơi tuyệt vời để bé vận động thể chất lại có thể phát triển các kỹ năng về không gian. Khi đi tìm, bé sẽ phải hình tượng trong đầu không gian của căn nhà, sân chơi, lập ra những giả thuyết khác nhau và sử dụng suy luận logic để tìm ra người đang trốn. Một trò chơi quá hoàn hảo để có thể phát triển bộ đôi trí thông minh vận động và không gian phải không nào?